Dự án phim A Tourist’s Guide to Love từ Hollywood có bối cảnh Việt Nam và câu chuyện chính cũng xuyên suốt quanh mảnh đất hình chữ S.
Việt Nam với cảnh sắc thiên nhiên đa dạng và phong phú đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều đoàn làm phim trong nước cũng như quốc tế. Có thể kể tới như bộ phim Kong: Đảo đầu lâu (2017) với bối cảnh ở Tràng An, động Phong Nha, đầm Vân Long, vịnh Hạ Long; Người tình (1992), với bối cảnh ở vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM; hay Thị Mai, hành trình đến Việt Nam (2018), với bối cảnh ở thủ đô Hà Nội…
Mới đây nhất, dự án phim A Tourist’s Guide to Love là dự án phim mới nhất lấy bối cảnh ở đất nước hình chữ S. Phim được sản xuất bởi ekip từ Hollywood, kể về hình trình tới Việt Nam của 1 cô gái Mỹ. Cùng người hướng dẫn viên của mình, cô đã được tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người Việt, từ đó đem lòng yêu đất nước này.
Phần lớn cảnh quay trong phim đều được thực hiện ở Việt Nam, với những thước phim chân thực đến từng chi tiết. Từ những cảnh đường phố tấp nập xe cộ, cho đến cảnh người Việt Nam đang lao động hay tổ chức những lễ hội truyền thống.
Mới đây, đoạn video ngắn dài hơn 2 phút giới thiệu về phim đã nhận được sự quan tâm đông đảo của người xem. Ngay trong chính đoạn video ngắn này, những nét đẹp của du lịch Việt đã dần được hé lộ, hứa hẹn sẽ là một bộ phim đáng mong chờ về văn hóa, cảnh đẹp Việt Nam dưới 1 tựa phim tình cảm.
1. Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây là một quần thể kiến trúc gồm nhiều đền đài Chămpa với kiến trúc vô cùng độc đáo, chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
Tổng thể Thánh địa Mỹ Sơn gồm 2 ngọn đồi. Toàn bộ đền tháp ở Thánh địa đều sử dụng chất liệu là gạch đá và quay mặt về hướng Đông – hướng mặt trời mọc. Trên tường các đền tháp là những bức chạm khắc tinh xảo, công phu và tỉ mỉ với nhiều chi tiết cầu kỳ.
Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam.
Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, có thể Thánh địa Mỹ Sơn được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ IV. Tuy nhiên phải đến năm 1885, nơi đây mới được phát hiện, và đến năm 1999 thì được UNESCO lựa chọn là di sản thế giới.
2. Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Là trường đại học đầu tiên của nước ta, quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn được xem là biểu tượng về du lịch của thủ đô Hà Nội, là nơi thể hiện bề dày, lưu lại những dấu ấn văn hóa và lịch sử lâu đời của đất nước Việt Nam.
Toàn bộ quần thể di tích có diện tích lên tới khoảng 54.331m2, được bao bọc bởi 4 bức tường gạch kiên cố, bên trong là những công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Có thể kể tới như Văn Miếu Môn, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Đại Thành Môn, Đại Bái Đường hay 82 bia Tiến sĩ được đặt trên lưng của 82 con rùa bằng đá xanh. Trên những bia đá này chính là thông tin của 82 thủ khoa trong các kỳ khoa cử qua từng triệu đại phong kiến Việt Nam.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
3. Chợ Bến Thành
Có lịch sử hình thành từ những năm đầu thế kỷ 17, chợ Bến Thành ngày nay đã trở thành một trong những biểu tượng không thể không nhớ tới khi nhắc đến TP.HCM. Thiết kế chợ bao gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ, tỏa ra 4 hướng. Khu vực tháp đồng hồ 3 mặt, được xây dựng theo kiến trúc Pháp là nổi tiếng hơn cả.
Chợ có tổng diện tích trên 13.000m2, bán chủ yếu các mặt hàng quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây hay hoa tươi. Ngoài ra, bên trong chợ Bến Thành cũng có một khu vực ẩm thực, chuyên bán những món đặc sản miền Nam để phục vụ du khách thập phương.
Chợ Bến Thành, TP.HCM.
4. Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của hàng trăm ngôi nhà mái ngói với bức tường vàng đặc trưng. Len lỏi giữa phố cổ là những con đường nhựa nhỏ, uốn lượn, về đêm rực rỡ bởi sắc màu rực rỡ của những chiếc đèn lồng. Ngoài ra, còn có con sông Hoài chảy qua, tô điểm thêm cho vẻ thanh bình, thơ mộng nơi đây.
Chính bởi những yếu tố trên mà đã không ít lần phố cổ Hội An của Việt Nam được vinh danh trong danh sách những thành phố tốt nhất dành cho khách du lịch nước ngoài hay những thành phố cổ đẹp hàng đầu châu Á cũng như thế giới.
Phố cổ Hội An, Quảng Nam.
5. Nhà hát múa rối nước
Bên cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng, trong A Tourist’s Guide to Love, các nhân vật còn cùng nhau trải nghiệm những hoạt động đậm nét văn hóa và truyền thống của Việt Nam. Trong đó, xuất hiện ngay ở đoạn phim giới thiệu, là múa rối nước.
Múa rối nước hay còn được gọi là trò rối nước, là một bộ môn nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống, mang đậm dấu ấn của nền văn minh công nghiệp lúa nước ở Việt Nam nói riêng cũng như các quốc gia Đông Nam Á nói chung.
Thông qua các ghi chép trên bia tháp Sùng Thiện Diên Linh năm 1121, thì vào thời nhà Lý, múa rối nước đã phổ biến ở nước ta. Điều thú vị ở bộ môn này là sân khấu để biểu diễn sẽ hoàn toàn ở dưới nước. Chúng có thể là mặt nước, mặt ao hay mặt hồ. Những con rối thường làm bằng gỗ sung, tạo thành đủ nhân vật, mặc trên mình những trang phục đẹp mắt, kết hợp thêm các phụ kiện cờ, quạt, lọng…, được điều khiển bởi những nghệ nhân, từ đó đem lên màn trình diễn mãn nhãn cho khán giả.
Không chỉ là những địa điểm, nét du lịch đặc sắc, xuyên suốt A Tourist’s Guide to Love còn có những chi tiết mang đậm văn hóa Việt được đan xen, được tái hiện chân thực đến từng chi tiết, ví dụ như phong tục thờ cúng, tổ chức lễ hội, cảnh 2 nhân vật ngồi xích lô trên đường phố tập nập xe cộ hay những cảnh tuyệt đẹp của những ngôi làng, ngôi nhà cổ.
Những nét đặc sắc khác trong văn hóa Việt xuất hiện trong phim.Phim dự kiến ra mắt khán giả toàn cầu vào ngày 21/4 trên nền tảng Netflix và được kỳ vọng là sẽ đem hình ảnh đất nước Việt Nam tới gần hơn với đông đảo bạn bè quốc tế.
Theo Tổ quốc