Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) vừa thông báo nhận được đơn từ chức của bà Thuy Vu Dropsey – Thành viên HĐQT công ty nhiệm kỳ 2019-2024. Việc từ nhiệm sẽ được báo cáo trong cuộc họp cổ đông gần nhất hoặc theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Bà Thuy Vu Dropsey (sinh năm 1982) được bổ nhiệm giữ chức Thành viên HĐQT không điều hành vào ngày 28/6/2019 cho nhiệm kỳ 2019-2024 và hiện không sở hữu bất kỳ cổ phiếu LTG nào. Như vậy, Lộc Trời hiện chỉ còn 4 thành viên HĐQT.
Song song với vấn đề nhân sự, công ty nông nghiệp này cũng quyết định sẽ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và giải thể CTCP Lộc Trời – Viên Thị (công ty con do Lộc Trời sở hữu 51% vốn). Đây là liên doanh với một tập đoàn ở Trung Quốc, chuyên về lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất cây giống.
Tập đoàn lớn về nông nghiệp này đang có những mở rộng mạnh mẽ vào lĩnh vực lương thực và đạt kết quả cao, doanh thu năm ngoái cao kỷ lục gần nửa tỷ USD. Đặc biệt trong năm 2023, với việc giá lương thực (nhất là gạo) đang tăng cao, cổ đông Lộc Trời kỳ vọng tiếp tục có sự tăng trưởng và giúp cổ phiếu LTG đang tiến sát về đỉnh lịch sử.
Trong phiên giao dịch gần nhất, LTG tăng hơn 2% lên mức 38.400 đồng/cp, tăng 63% so với thời điểm đầu năm.
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) thông báo bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Kiên làm Giám đốc cao cấp – Nguồn nhân lực kể từ ngày 19/9 với kỳ hạn 2 năm. Vị này chưa giữ bất kỳ chức vụ cao cấp nào tại PNJ trước đó.
Công ty hoàn kim này mới nhận được quyết định của Tổng Cục thuế về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế, do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp. Tổng số tiền truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp lên đến 13 tỷ đồng.
PNJ dưới quyền điều hành của nhà sáng lập Cao Thị Ngọc Dung đến nay đã trở thành công ty tư nhân hàng đầu trong mảng bán lẻ trang sức, lợi nhuận từ năm 2019 đến nay luôn vượt mốc 1.000 tỷ đồng và cao nhất là 1.811 tỷ đồng trong năm 2022.
Công ty bắt đầu gặp khó khăn trong năm nay khi sức mua suy giảm, doanh thu ước tính 7 tháng đầu năm giảm hơn 9% về mức 18.823 tỷ đồng và lợi nhuận thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm trước còn đạt 1.171 tỷ đồng.
Hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mới tiến hành miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT gồm các ông Hideki Oshima, Doãn Hữu Đoàn và Trần Hòa Bình trong cuộc họp cổ đông bất thường lần thứ ba ngày 15/9.
Riêng ông Hideki Oshima từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways hồi tháng 6 nhưng chỉ nửa tháng sau đó xin từ nhiệm vị trí này để đảm nhận vai trò Phó chủ tịch thường trực HĐQT. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông từng làm Phó tổng giám đốc Japan Airlines, cũng như lãnh đạo tại các sân bay Narita, Haneda (Nhật Bản).
Ở chiều ngược lại, hãng bay tư nhân này chỉ quyết định bổ sung bà Lê Thị Trúc Quỳnh – hiện là Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways – làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Sau khi kiện toàn, công ty chỉ còn 5 thành viên là các ông Lê Thái Sâm (chủ tịch HĐQT), Nguyễn Ngọc Trọng, Phan Đình Tuệ (Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT), Lê Bá Nguyên và bà Lê Thị Trúc Quỳnh.
Lãnh đạo Bamboo Airways thông tin sẽ thực hiện rà soát xác định nguồn vốn của công ty, tăng/giảm vốn điều lệ nhằm mục tiêu tái cấu trúc và huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Hãng đang quyết liệt đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc toàn diện cũng như lựa chọn cổ đông chiến lược để cùng đồng hành trong thời gian tới.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã: PGB) thông báo bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng chính thức đảm nhận vai trò Tổng giám đốc kể từ ngày 15/9. Thời hạn bổ nhiệm trong 5 năm, kể từ ngày có hiệu lực.
Ông Phạm Mạnh Thắng sinh năm 1962, nguyên là Phó Tổng giám đốc Vietcombank vừa nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/5. Đến ngày 2/7, vị lãnh đạo này tiếp nhận vị trí quyền Tổng giám đốc PG Bank thay cho ông Nguyễn Phi Hùng.
Ngoài vị trí Tổng giám đốc, PG Bank còn có nhiều xáo trộn về mặt nhân sự cấp cao kể từ khi cổ đông lớn Petrolimex thành công thoái vốn khỏi ngân hàng.
Ngân hàng này sắp tổ chức họp cổ đông bất thường vào 23/10 tới để kiện toàn nhân sự thuộc HĐQT và BKS.
Hiện nhà băng tư nhân này đã có sự xuất hiện của 3 cổ đông lớn mới là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (nắm giữ 13,1% vốn), CTCP Quốc tế Cường Phát (13,54%) và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (13,36%). Cả 3 tổ chức này đều đã được Ngân hàng nhà nước chấp thuận giao dịch.
Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – Mã: SAS) dự kiến sẽ tiến hành miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Đoàn Thị Mai Hương và bầu bổ sung ông Nguyễn Văn Hùng Cường làm thành viên cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.
Bà Hương (sinh năm 1967), gia nhập Sasco từ năm 1993 ở vị trí nhân viên pháp lý. Nữ lãnh đạo này từng đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT công ty giai đoạn 2015-2019 và kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc. Trong khi ông Cường (sinh năm 1968) hiện là Tổng giám đốc Sasco và là người được cổ đông ACV đề cử.
Sasco dưới quyền điều hành của vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn đang hồi phục tốt kể từ sau đại dịch. Doanh thu thuần nửa đầu năm nay cao gấp gần 3 lần cùng kỳ lên 1.173 tỷ đồng và chỉ tiêu lãi ròng tăng trưởng 29% ở mức 110 tỷ đồng.
Một số công ty khác có biến động nhân sự cấp cao như CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (Mã: TCO) đã bổ nhiệm ông Bùi Lê Quốc Bảo lên làm Tổng giám đốc mới kể từ ngày 14/9.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) thông báo bà Ngô Thị Thanh Tâm sẽ được điều chuyển lên vị trí Giám đốc tài chính kể từ ngày 15/9.
CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC (Mã: VRC) bổ sung ông Phan Văn Tướng làm thành viên HĐQT mới kể từ ngày 12/9, thay thế vị trí của bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như mới từ nhiệm trước đó.
CTCP Xây dựng Thương mại và Khoáng Sản Hoàng Phúc (Mã: HPM) nhận được đơn đề nghị thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Trường Sơn kể từ 30/9.