Loãng xương làm giảm mật độ chất khoáng khiến xương dễ gãy, là bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3.
Biểu hiện loãng xương
– Loãng xương diễn biến âm thầm với triệu chứng không đặc trưng.
– Chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng:
* Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính.
* Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.
* Đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.
* Gãy xương: thường gặp đầu dưới xương quay, cổ xương đùi, các đốt sống lưng và thắt lưng.
* Xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
Nguyên nhân
– Loãng xương tiên phát: Do tuổi (trên 50 tuổi), mãn kinh.
– Loãng xương thứ phát:
* Tuổi: 50 tuổi trở lên.
* Tiền sử bản thân: Bị gãy xương sau một sang chấn nhẹ, gia đình có người thân bị gãy xương do loãng xương.
* Thể chất: Thấp bé nhẹ cân, gầy sút nhanh.
* Lối sống: Tĩnh tại, ít vận động, hút thuốc lá nhiều, uống rượu nhiều.
* Chế độ ăn không đủ dinh dưỡng; thiếu canxi, vitamin D, C…
* Bệnh lý gây loãng xương: Các tình trạng gây giảm hormone sinh dục như mãn kinh, cắt buồng trứng, mất kinh kéo dài, không sinh đẻ; cường cận giáp, cường giáp trạng, đái tháo đường phụ thuộc insuline, suy thận, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, biến dạng cột sống, hội chứng Cushing, bệnh dạ dày ruột gây rối loạn hấp thu, cắt dạ dày ruột, chán ăn, bệnh lý gan mật…
* Ung thư di căn xương; các bệnh ung thư (đa u tủy xương, bệnh bạch cầu…).
* Sử dụng một số thuốc như corticoids, heparin, phenyltoin, điều trị hormone tuyến giáp quá liều, sử dụng xạ trị trong điều trị ung thư…
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng giúp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh như:
– X-quang cột sống hoặc xương đùi.
– Đo khối lượng xương đánh giá mức độ loãng xương.
– CT Scan hoặc MRI đánh giá khối lượng xương.
– Định lượng các marker hủy xương và tạo xương.
Các bệnh dễ nhầm lẫn
Loãng xương có thể nhầm lẫn với các bệnh lý sau:
– Bất toàn tạo xương hay xương thủy tinh.
– Các loãng xương thứ phát như ung thư di căn xương, các bệnh ác tính cơ quan tạo máu (đa u tủy xương, bệnh bạch cầu leucemie…).
– Nhuyễn xương do thiếu vitamin D, rối loạn chuyển hóa phosphor, khối u, khiếm khuyết di truyền…
Điều trị
– Y học hiện đại: Thường dùng các thuốc chống hủy xương, giảm đau, giãn cơ phù hợp với cơn đau cấp tính, nhưng nếu lâu dài gây nhiều tác dụng phụ.
– Y học cổ truyền:
* Các bài thuốc Bổ trung ích khí thang hay Lục vị thang, Hữu quy hoàn giúp chữa chứng hư lao gây ra loãng xương mà ít gặp tác dụng phụ.
* Châm cứu và các phương pháp khác như cấy chỉ, nhĩ châm, thủy châm phối hợp cùng thuốc thang làm tăng hiệu quả điều trị bệnh. Nhiệt trị liệu như cứu ấm, chiếu đèn hồng ngoại hay chườm túi thuốc thảo dược giúp ôn ấm vùng đau.
* Xoa bóp bấm huyệt kết hợp tập vận động cột sống và các động tác dưỡng sinh giúp hỗ trợ tốt cho bệnh.
* Tập luyện: Thể dục vận động khởi đầu từ nhẹ đến mạnh dần (cho những người già mới bắt đầu tập). Có thể đi bộ (từ đi bộ bình thường đến đi nhanh và sau đó chạy), bơi lội, đánh cầu, khiêu vũ, tập võ dưỡng sinh.
Phòng ngừa
– Nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng cho đúng.
– Ăn uống đầy đủ chất.
* Các thực phẩm cung cấp canxi như sữa, sữa chua, phô mai, cải xoăn, rau lá xanh đậm, đậu hủ, cá trích, cá hồi…
* Các thực phẩm bổ sung vitamin D như dầu gan cá tuyết, sữa bổ sung vitamin, lòng đỏ trứng, cá ngừ, cá hồi, cá sardine đóng hộp, tôm, gan bê…
– Phơi nắng và uống viên vitamin D đủ 400 IU mỗi ngày.
– Tập thể dục thường xuyên.
– Bỏ thói quen hút thuốc lá hay uống nhiều rượu, nhiều cà phê.
Mỹ Ý