Có người cho rằng từ khi có Nghị định 144/2020/NĐ-CP thì việc cấp phép các cuộc thi sắc đẹp “thoáng” hơn, dẫn đến “nhà nhà, người người” đều có thể đăng ký thi hoa hậu hay sắc đẹp.
Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam được tổ chức hôm 3/8. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Chỉ trong 2 tối 2 – 3/8, Việt Nam có thêm 5 hoa hậu và hơn chục á hậu. Và theo thống kê một năm chúng ta có tới 60 cuộc thi nhan sắc được tổ chức, các người đẹp được vinh danh mỗi năm lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Trong đó không ít hoa hậu, á hậu, người đẹp được vinh danh vấp phải những nghi vấn mua giải hay những thị phi khác… Chính vì vậy, không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng chưa bao giờ các cuộc thi sắc đẹp lại “loạn” như bây giờ và danh hiệu các người đẹp cũng vì thế mà “mất giá” theo.
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ Việt Nam 2024 diễn ra tại Bình Thuận tối 2/8 đã chọn ra 3 hoa hậu và 5 á hậu.
Cùng lúc, tối 3/8 diễn ra hai cuộc thi sắc đẹp khác là cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 và cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam. Miss Grand Vietnam 2024 vinh danh 01 Hoa hậu và 04 Á hậu. Cuộc thi Hoa hậu Du lịch vinh danh 1 Hoa hậu và 2 Á hậu, ngoài ra còn nhiều giải phụ khác…
Như vậy chỉ trong 2 đêm, Việt Nam đã có thêm 5 hoa hậu và hàng chục á hậu cũng như người đẹp được vinh danh.
Chỉ tính riêng năm 2024, hiện Việt Nam đã có 5 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia bao gồm: Miss Universe Vietnam; Miss Grand Vietnam; Hoa hậu Du lịch Việt Nam; Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu; Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Đó là chưa kể còn có vô số các cuộc thi hoa khôi vùng miền nhiều đến mức khó mà nhớ nổi.
Kể từ khi cuộc thi hoa hậu toàn quốc đầu tiên được tổ chức vào năm 1988, đã 2 thập niên trôi qua, vương miện hoa hậu luôn được xem là một biểu tượng cao quý đại diện cho phụ nữ Việt Nam tài năng, đẹp người, đẹp nết. Các cuộc thi hoa hậu được tổ chức một năm một lần hoặc hai năm một lần là hoạt động văn hóa ý nghĩa nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam vì thế các cuộc thi luôn được mọi người mong đợi và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.
Thế nhưng hiện nay trước “hằng hà sa số” các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, tình trạng “ra ngõ gặp hoa hậu” đã khiến cho người dân dường như “bội thực” không còn “thiết tha” với những cuộc thi nhan sắc hiện nay. Đặc biệt, tình trạng thương mại hóa trong các cuộc thi nhan sắc không chỉ làm mất lòng tin của người dân mà còn khiến cho giá trị của những chiếc vương miện thực sự giảm.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận và hoạch định lại những cuộc thi nhan sắc, làm sao để những cuộc thi sắc đẹp này thực sự là một sự kiện văn hóa được mong chờ và có chất lượng cao khi lựa chọn và vinh danh được những gương mặt thật sự xứng đáng.
Thực tế hiện nay những cuộc thi sắc đẹp không còn nhận được nhiều sự quan tâm ở các quốc gia phát triển, kể cả các cường quốc về sắc đẹp. Bằng chứng là số lượng các cuộc thi sắc đẹp ở các quốc gia này rất hạn chế. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển lại đang tổ chức ồ ạt, mục đích của các cuộc thi cũng ngày càng trở nên lệch lạc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Tiến Thọ đã từng khẳng định: Một số cuộc thi hoa hậu được tổ chức là một hình thức làm kinh tế khi ban tổ chức kêu gọi doanh nghiệp, công ty quảng cáo để kiếm tiền, không chú trọng đến chất lượng cuộc thi, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Một khi những cuộc thi sắc đẹp được tổ chức chỉ để đáp ứng quy luật cung – cầu như một số người nhận định thì rõ ràng cuộc thi đã bị biến tướng và trở thành hoạt động thương mại chứ không chỉ là hoạt động văn hóa thông thường.
Để trả lại thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng các cuộc thi sắc đẹp hiện nay phải chăng chúng ta cần phải xiết chặt hơn các cuộc thi sắc đẹp. Để giảm tải tình trạng “loạn” hoa hậu, người đẹp, vì vậy, nên chăng cơ quan chức năng cần phải có những quy định cụ thể về từng cuộc thi, gắn trách nhiệm với từng đơn vị cụ thể… như thế mới có thể kỳ vọng các cuộc thi hoa hậu hay sắc đẹp hiện nay tìm ra những hoa hậu, người đẹp thực sự xứng đáng.
Nguồn: https://baoquocte.vn/loan-thi-hoa-hau-282084.html