Khách hàng bị “xoay như chong chóng”
Vài tháng nay, cuối tuần nào vợ chồng anh Nguyễn Tùng (45 tuổi, trú Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng đi tìm mua nhà. Đang ở nhà trong phố, vợ chồng anh gom góp tính bán hết tài sản để dồn tiền mua nhà liền kề tại khu đô thị hiện đại.
Tìm hiểu một số căn liền kề tại các dự án ngoại ô phía tây Hà Nội như Lideco, Hinode Park, Geleximco (H.Hoài Đức)…, anh Tùng được nhiều môi giới chào mời nhiệt tình. Dù thế, đến nay vợ chồng anh vẫn chưa chốt được căn nào.
“Không phải vợ chồng tôi khó tính quá, mà cứ ưng căn nào đến khâu cuối cùng trả giá, cảm giác như sắp mua được rồi thì môi giới lại báo… đã có người cọc. Thậm chí, có những căn liền kề trên dưới 100 m2 họ rao giá 9 tỉ đồng, tôi trả tới 8,7 tỉ đồng nhưng chưa chốt được thì chỉ một vài hôm sau “cò” lại báo đã có khách chốt, chỉ chênh hơn vợ chồng tôi 50 triệu đồng, muốn mua lại thì phải trả lên 8,9 tỉ đồng”, anh Tùng bức xúc chia sẻ.
Theo anh Tùng, ít nhất có 3 lần vợ chồng anh bị mua hụt như vậy. Các tình tiết trong quá trình đàm phán đều tương tự nhau: sau khi xem nhà, ưng ý, trả giá đến đoạn “chung kết” chỉ còn chênh lệch nhau giữa hai bên mua bán khoảng 100 triệu đồng hoặc đã ở bước thỏa thuận bên mua hay bên bán chịu chi phí thì bỗng dưng bị “quay xe”.
Lần gần đây nhất, đầu tháng 8, anh Tùng chốt thỏa thuận mua một căn liền kề 120 m2 ở khu D Geleximco với giá 11 tỉ đồng. Khi đến đặt cọc, cả chủ nhà và môi giới nói tăng thêm 300 triệu đồng mới bán vì thị trường đã “ấm” lên; bất động sản đang được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, tháo gỡ.
Không đồng ý trả thêm, khoảng 1 tuần sau, anh Tùng hỏi một môi giới khác về chính căn liền kề đó thì được báo chủ nhà rao bán giá thu về là 11,5 tỉ đồng nhưng thương lượng xuống không quá 11,3 tỉ đồng, vì đã có người trả đến 11 tỉ đồng nhưng chủ chưa bán.
Chị Hoa, vợ anh Tùng, đặt nghi vấn đó có phải chiêu “ném đá dò đường” của môi giới và chủ nhà khi thị trường bất động sản trong tình trạng “đóng băng”. Những người có nhu cầu ở thật bị môi giới, chủ nhà lợi dụng để dò lực cầu thị trường.
Điểm chung các chiêu trò của môi giới, chủ nhà là đều tìm mọi cách để tăng giá bán. Mỗi khi kết nối với môi giới mua bán ở dự án khu đô thị nào, nhà đất khu vực nào là sau đó khách hàng liên tục bị “khủng bố” các thông tin báo căn này mới có người chốt mua, chốt bán để kích thích tâm lý mua nhanh kẻo hết; đường sắp làm xong nếu không mua sẽ bị tăng giá…
Chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Quang Hào (40 tuổi, trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) kể, mới đầu tháng 8, anh chốt thỏa thuận được về giá mua một căn biệt thự song lập ở khu B Geleximco với giá 15 tỉ đồng. Nhưng khi gặp chủ nhà để làm thủ tục đặt cọc, anh lại bị ra điều kiện phải thanh toán ít nhất 70% trong 1 tuần, không đáp ứng được thì không bán, rất thiếu thiện chí.
“Gần 4 tháng nay đi tìm mua biệt thự, liền kề ở khu vực phía tây Hà Nội nhưng tôi không chốt được vì bị xoay bởi các “quái chiêu” lạng lách của môi giới hoặc chủ nhà tại các dự án. Anh bạn tôi vì cần gấp nên phải chi gần 400 triệu đồng trả thêm cho môi giới mới chốt mua được một căn liền kề ở dự án Hà Đô Charm Villas (xã An Thượng, H.Hoài Đức). Như vậy, người có nhu cầu thật nếu chấp nhận thêm tiền mới mua được nhà”, anh Hào nói.
Theo tìm hiểu, các “quái chiêu” của môi giới bất động sản kể trên không chỉ được áp dụng với sản phẩm nhà liền kề, biệt thự mà loại hình nhà chung cư, nhà tập thể, nhà phố, đất nền cũng rất phổ biến, đẩy người có nhu cầu ở thật vào thế rất khó chốt mua hoặc phải chấp nhận mất thêm tiền. Giá bất động sản vì thế cũng bị đẩy lên nhiều.
Cần tỉnh táo trước các chiêu trò
Chị Nguyễn Thu Hằng (36 tuổi, trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), một môi giới bất động sản đã chuyển nghề, kể thông thường “cò” đất có nhiều chiêu trò để dồn người mua vào thế phải mua giá cao. Giai đoạn thị trường khủng hoảng năm 2008 – 2012 hay hiện nay cũng vậy, để kích giá, đẩy thị trường, nhiều môi giới không ngại “bắt tay” nhau tung chiêu hô hào, “thổi” giá. Câu chuyện trên thị trường như những trường hợp khách hàng kể trên không phải hiếm. Có điều, các “quái chiêu” của môi giới ngày càng đa dạng, tinh vi hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS), cho biết nhìn vào tình hình vĩ mô, có thể thấy thị trường bất động sản vẫn chìm trong khó khăn. Thanh khoản, pháp lý, nguồn vốn, dòng tiền… chưa khởi sắc. Trong khi nhiều doanh nghiệp chịu áp lực trái phiếu đáo hạn, trên thị trường, lãi suất cho vay đối với bất động sản vẫn chưa hề giảm.
“Ngân hàng giảm lãi suất nhưng lãi suất vẫn neo ở mức cao. Chưa kể, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng giai đoạn này là không dễ, điều kiện xem xét rất ngặt nghèo; nhất là bất động sản không phải là lĩnh vực được ưu tiên xem xét cho vay.
Ngoài ra, vấn đề pháp lý, các bộ luật chi phối, điều chỉnh liên quan đến bất động sản như luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở… vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung xong. Căn cứ vào những yếu tố cơ bản đó, có thể nhìn rõ là chưa thấy động lực rõ ràng nào để nói bất động sản đã “ấm” lên, thanh khoản được cải thiện”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, việc môi giới tung chiêu hô hào thị trường bất động sản đã “ấm” lên từ trước đến nay không phải hiếm, thường xuyên diễn ra nhằm tạo sóng ảo. Thậm chí, có những nhóm môi giới, chủ nhà và cả chủ đầu tư không ngần ngại “bắt tay” mua bán, có đưa ra công chứng để tạo giao dịch ảo, “tay trái” bán sang “tay phải”.
Người mua nhà, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền hay bị “kẹp” hàng, nhất là trong lúc thị trường “đóng băng” như hiện nay.