GĐXH – Người bệnh tiểu đường tiêu thụ thịt bò một cách cân đối và điều độ sẽ không làm tăng đường huyết bởi chỉ số đường huyết của thịt bò bằng 0.
Người bệnh tiểu đường ăn thịt bò có tốt không?
Người bệnh tiểu đường ăn được thịt bò bởi chúng sở hữu chỉ số đường huyết (GI) bằng 0. Điều này có nghĩa rằng tiêu thụ thịt bò không thể gây tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn, đem lại sự an toàn đáng kể cho người bệnh trong việc quản lý đường huyết hàng ngày.
Khi được tiêu thụ một cách cân đối và điều độ, tiêu thụ thịt bò thực sự mang đến nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe của người bệnh tiểu đường, bởi đây là nguồn dồi dào protein, vitamin và khoáng chất thiết yếu, không thể thiếu đối với sức khỏe con người.
Lợi ích của thịt bò với người bệnh tiểu đường
Giúp cải thiện kháng insulin
Thịt bò là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, chứa đủ cả 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp nội sinh, chỉ có thể được hấp thụ thông qua chế độ ăn uống.
Nghiên cứu cho thấy, axit amin từ thịt bò là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng để cơ thể sửa chữa, khôi phục, tăng cường hoặc duy trì chức năng chuyển hóa glucose trong tế bào, giúp chúng hấp thụ glucose từ hệ tuần hoàn một cách hiệu quả theo sự hướng dẫn của hóc-môn điều hòa đường huyết insulin, từ đó cải thiện tình trạng kháng insulin (nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường tuýp 2) và hạ đường huyết sau ăn tốt hơn.
Giúp kiểm soát đường huyết
Trên thực tế, việc phân giải chất béo trong cơ thể hoàn toàn không sản sinh ra glucose nên việc hấp thụ chất này không gặp rủi ro gây tăng đường huyết sau bữa ăn.
Ngược lại, sự hiện diện của chất béo còn góp phần làm chậm quá trình hấp thụ glucose ở ruột, hạn chế tình trạng gia tăng đường huyết đột ngột đến từ việc dung nạp các thực phẩm giàu carbohydrate khác sau bữa ăn.
Giúp phòng biến chứng bệnh tiểu đường
Vitamin B3 được chứng minh là dưỡng chất giúp cải thiện thành phần lipid máu, góp phần làm gia tăng đáng kể lượng cholesterol HDL – loại cholesterol tốt giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời làm giảm sự tổng hợp triglyceride (chất béo trung tính) ở gan, hỗ trợ dự phòng bệnh gan nhiễm mỡ.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh bệnh tim mạch và gan nhiễm mỡ chính là hai biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường ăn thịt bò bao nhiêu là đủ?
Trong thịt bò có chứa nhiều chất béo bão hoà và không bão hoà, nếu thường xuyên tiêu thụ chất này có thể gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Đồng thời, trong thịt bò có chứa lượng lớn natri gây tình trạng giữ nước, phù nề cơ thể. Lâu dần khiến các mạch máu phải chịu áp lực nặng nề dẫn tới tình trạng huyết áp cao và kháng insulin.
Vì vậy, để an toàn, người bệnh tiểu đường không nên ăn quá 350-500g thịt bò đã nấu chín mỗi tuần. Không ăn quá 90g mỗi ngày. Nếu bạn đã tiêu thụ hơn 70g thịt bò trong một ngày, hãy ăn ít hơn hoặc không ăn thịt trong những ngày tiếp theo.
Ưu tiên chế biến đơn giản như hấp, luộc hầm. Hạn chế việc tẩm bột, chiên (rán), ướp bò với nhiều loại sốt hoặc xào chúng với nhiều dầu mỡ.
Cách ăn thịt bò tốt cho người bệnh tiểu đường
– Nên kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ: Vì thịt bò là nguồn giàu protein nhưng lại thiếu chất xơ. Do đó, khi ăn thịt bò nên kết hợp với các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau lá xanh, củ quả, các loại đậu hạt và ngũ cốc…
– Nên chọn phần thịt bò ít mỡ: Như phần thịt thăn (thăn nội, thăn ngoại), lõi vai, lõi rùa hoặc phần bắp bò. Điều này giúp hạn chế hấp thụ quá mức lượng chất béo bão hòa có trong thịt.
– Hạn chế thịt bò chế biến sẵn: Những loại thịt bò được chế biến sẵn như khô bò, thịt bò đóng hộp,… vì chúng có thể chứa nhiều chất béo bão hòa, gia vị, chất phụ gia, bảo quản và muối natri, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.
– Ưu tiên chế biến đơn giản như hấp, luộc hầm. Hạn chế việc tẩm bột, chiên (rán), ướp bò với nhiều loại sốt hoặc xào chúng với nhiều dầu mỡ.
4 nhóm người bệnh tiểu đường nên kiêng thịt bò
Người tiểu đường bị gout: Thịt bò là thịt đỏ và khá giàu protein, do đó chúng có thể làm tăng axit uric trong máu khiến tình trạng bệnh gout tồi tệ hơn.
Người tiểu đường bị sỏi thận: Lượng protein cao trong thịt bò sẽ làm tăng oxalate trong nước tiểu (nhân tố hình thành sỏi).
Người tiểu đường bị mỡ máu: Thịt bò nhiều chất đạm và chất béo vì vậy có thể khiến cho mỡ máu tăng cao. Từ đó, người bệnh tiểu đường mỡ máu ăn thịt bò sẽ dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch.
Người tiểu đường bị huyết áp cao: Thịt bò chứa nhiều natri nên việc tiêu thụ thịt bò sẽ khiến cơ thể bị giữ nước, từ đó gây tăng thể tích máu và gây áp lực lên mạch máu. Từ đó, bệnh huyết áp cao trở nên khó kiểm soát.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/loai-thit-giau-dinh-duong-tot-cho-duong-huyet-nguoi-benh-tieu-duong-nen-an-de-tang-de-khang-keo-dai-tuoi-tho-172241028114334428.htm