Rau khúc là một loài rau dại. Hằng năm, cứ tới mùa xuân, cây rau khúc mọc hoang khắp nơi ở những ruộng khô. thường hay gặp nhất ở bờ ruộng, bờ cát ven sông …
Cây rau khúc còn có tên gọi khác là Phật nhĩ thảo, thanh minh thảo. Cây có tên khoa học là Gnaphalium indicum, thuộc họ Cúc.
Cây rau khúc mọc hoang khắp nơi ở những ruộng khô. Lá khúc nếp dùng làm bánh khúc, lá khúc tẻ dùng làm thuốc.
Theo Đông y, rau khúc có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, đi vào kinh Phế, có tác dụng hóa đàm, trừ phong hàn. Loại rau này được dùng để chữa ho nhiều đờm, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt, bạch đới, ung thũng…
Trong dân gian, lá khúc nếp dùng làm bánh khúc, làm rau nấu ăn, lá khúc tẻ dùng làm thuốc. Rau khúc có thể dùng để chữa cảm sốt, ho, viêm họng, viêm khí quản mạn tính, hen suyễn có đờm, phong thấp tê đau, huyết áp cao. Liều dùng từ 15-30g, sắc uống hoặc hãm uống. Rau cũng có thể được thái nhỏ, trộn với ít đường, hấp cơm uống.
Về mặt y học hiện đại, rau khúc có chứa flavonoid 5%, tinh dầu 0,05%, các vitamin B, C, caroten, chất diệp lục, chất nhựa, dầu béo… Tinh dầu trong rau khúc có nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Một số bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu từ rau khúc
– Chữa cảm lạnh phát sốt, ho: Dùng toàn cây rau khúc khô 15-20g (hoặc 30-40g tươi), sắc nước uống trong ngày; Có thể thêm tía tô, kinh giới, mỗi thứ 9g, cùng sắc uống.
– Chữa viêm họng, hen suyễn nghẹt đờm: Dùng độc vị rau khúc khô 30g sắc uống; Hoặc thêm gừng, hành mỗi vị 10g cùng sắc uống. Còn có thể dùng: Rau khúc khô 30g, ma hoàng 6g, khoản đông hoa, hạnh nhân, bạch tiền, mỗi thứ 9g, sắc uống.
– Chữa cao huyết áp: Dùng rau khúc khô 12g, câu đằng 9g, tang ký sinh 9g, sắc nước uống trong ngày.
– Chữa đầy bụng, tiêu chảy: Dùng toàn cây rau khúc khô 30-60g, kê nội kim (màng mề gà) 1 cái, sắc nước uống trong ngày.
– Chữa gân cốt sưng đau, chân và đầu gối sưng thũng, đòn ngã tổn thương: Dùng toàn cây rau khúc khô 30-60g, sắc nước uống trong ngày.