GĐXH – Người bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn trứng vịt, nhưng nên ăn kèm với các thực phẩm giàu chất xơ (rau, củ, quả) và các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh (cá biển, dầu ô-liu,..).
Người bệnh tiểu đường có ăn được trứng vịt không?
Trứng vịt là loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, dễ mua và có thể chế biến được nhiều món ngon khác nhau. Thành phần của trứng vịt chứa rất nhiều dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Cụ thể:
Carotenoid có trong lòng đỏ trứng là một hợp chất chống oxy hoá, giúp bảo vệ tế bào và DNA tránh khỏi tình trạng stress oxy hoá. Từ đó, ngăn chặn các căn bệnh mãn tính và làm chậm quá trình lão hoá.
Lòng đỏ trứng vịt cũng là một nguồn cung cấp carotene, cryptoxanthin, zeaxanthin và lutein, giúp mắt sáng khoẻ. Đồng thời, ngăn ngừa các căn bệnh về mắt, bệnh tim và cả bệnh ung thư.
Ngoài ra, lecithin và choline có trong loại trứng này rất tốt cho não bộ của con người. Đặc biệt, choline còn tác dụng tăng cường sức khoẻ não bộ của thai nhi.
Lòng trắng trứng vịt rất giàu protein, chất chống oxy hoá và peptit. Đây là những hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ của xương và răng, bảo vệ bạn trước nguy cơ nhiễm trùng và ngăn ngừa bệnh tim, bệnh thoái hoá thần kinh.
Về chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) của của trứng vịt lần lượt là 48 (thuộc nhóm thấp) và 0.7 (thuộc nhóm thấp). Với các thông số đường huyết nêu trên, trứng vịt có thể được xem là thực phẩm ít có rủi ro làm tăng cao đường huyết sau bữa ăn. Người bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn trứng vịt. Tuy nhiên, cần hạn chế ăn quá nhiều trứng vịt để đảm bảo tính cân đối cho khẩu phần ăn hàng ngày.
Người bệnh tiểu đường ăn trứng vịt bao nhiêu là đủ?
Trứng vịt nếu được tiêu thụ đúng cách và điều độ có thể giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, điều hòa đường huyết. Axit folic (vitamin B9) và vitamin B12 đã được chứng minh là có khả năng cải thiện tình trạng kháng insulin và tăng cường độ nhạy của hormone này trong cơ thể. Do đó, tiêu thụ trứng vịt có thể hỗ trợ điều hoà đường huyết hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh tiểu đường.
Thông thường, đối với người khỏe mạnh, việc tiêu thụ mỗi ngày một quả trứng là an toàn. Tuy nhiên với người bệnh tiểu đường, hàm lượng này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người bệnh. Để có được câu trả lời chính xác, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.
Cách ăn trứng vịt tốt hơn cho người bệnh tiểu đường
Kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ
Trứng vịt rất giàu protein nhưng lại chứa ít chất xơ và chất béo lành mạnh. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, người bệnh nên ăn kèm trứng vịt với các thực phẩm giàu chất xơ (rau, củ, quả) và các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh (cá biển, dầu ô-liu,..).
Hạn chế sử dụng dầu mỡ khi chế biến
Khi chế biến trứng vịt, bạn nên ưu tiên các phương pháp luộc, hấp, đồng thời hạn chế chiên, rán, sử dụng quá nhiều dầu mỡ để bảo vệ sức khỏe, tránh các biến chứng tim mạch.
Hạn chế sử dụng gia vị
Trong trứng vịt đã có một hàm lượng natri nhất định, vì vậy người bệnh tiểu đường nên hạn chế sử dụng muối khi chế biến thực phẩm này để giảm thiểu tình trạng huyết áp cao, tích nước, suy thận,…
Theo dõi đường huyết
Tuy chỉ số GI và GL của trứng vịt nằm trong nhóm thấp, người bệnh vẫn nên đo đường huyết thường xuyên để đảm bảo an toàn, kịp thời phát hiện những điểm bất thường và điều chỉnh phù hợp.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/loai-qua-sieu-dinh-duong-re-tien-ban-day-cho-viet-nguoi-benh-tieu-duong-an-theo-cach-nay-de-on-dinh-duong-huyet-172241025105313553.htm