Trong Đông y, vỏ quả lựu vị chua, chát, tính ôn, có thể tận dụng quả lựu để làm thuốc trị bệnh. Các bộ phận của cây lựu đều có thể dùng làm thuốc được, dùng tươi thì tốt hơn, nếu khô thì trước khi dùng phải ngâm nước vài ba giờ để lấy lại nguyên chất.
Loại quả có giá trị dinh dưỡng cao
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, những người cần hạn chế ăn lựu gồm người bị bệnh viêm dạ dày, người bị sâu răng hay gặp các vấn đề về răng miệng, người đang bị cúm, trẻ em cũng hạn chế ăn lựu vì nếu ăn nhiều sẽ gây nóng trong người, người bị tiểu đường.
Quả lựu chín có giá trị dinh dưỡng cao, tác dụng chống vi khuẩn, chống oxy hóa và tác dụng tẩy giun hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế từng xảy ra trường hợp trẻ em nguy kịch vì tắc ruột do ăn nhiều hạt lựu.
Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn hạt lựu để tránh bị hóc, bị tắc ruột. Cha mẹ nên ép lấy nước lựu cho trẻ uống sẽ tốt hơn. Người lớn khi ăn lựu có thể ăn cả hạt nhưng cần nhai kỹ trước khi nuốt.
Nước ép từ lựu chứa nhiều axit amin và nguyên tố vi lượng, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, chống viêm loét, làm mềm các mạch máu, ổn định huyết áp và lượng đường trong máu, giảm cholesterol và nhiều tính năng khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thoải mái ăn loại trái cây này.
Một số bài thuốc từ lựu
Tẩy giun sán
Chuẩn bị: 60g rễ lựu tán vụn, 750ml nước.
Cách làm: Ngâm rễ lựu tán vụn trong 6 giờ rồi sắc nước cho đến khi còn 500ml chia uống làm 3 lần, cách nhau nửa giờ vào sáng sớm. Sau khi uống cuối giờ thứ hai thì dùng một liều thuốc tẩy. Nên đi đại tiện vào chậu nước ấm thì sán ra.
Trị tiêu chảy, tiểu ra máu
Cách làm: Lấy 15g vỏ lựu đi sắc 3 lần, mỗi lần với một bát nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Chữa chảy máu cam
Cách làm: Lấy hoa lựu 6g, rửa sạch cho 250ml nước, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 5-7 ngày.
Chữa sâu răng
Cách làm: Dùng vỏ thân cây lựu hoặc vỏ quả sắc đặc ngậm về phía răng sâu.
Hỗ trợ trị viêm tiền liệt tuyến
Cách làm: Dùng 30g hoa lựu tươi nấu canh cùng thịt lợn ăn hàng ngày.
Để công thức trên phát huy tác dụng toàn diện, hãy chọn những quả lựu sạch, không hóa chất, lột lấy vỏ và phơi khô để sử dụng dần. Trong quá trình thực hiện, người bệnh tuyệt đối không được uống rượu bia, còn lại ăn uống hoàn toàn bình thường.
Những người không nên ăn lựu
Lựu chứa nhiều axit hữu cơ và đường. Khi ăn lựu, axit hữu cơ rất dễ làm tổn thương men răng, thúc đẩy quá trình oxy hóa, đặc biệt với bệnh nhân bị sâu răng hay gặp các vấn đề về răng miệng. Nếu vẫn ăn thì sau khi tiêu thụ, người bệnh cần đánh răng ngay lập tức.
Trong lựu có chứa nhiều axit citric và axit glyphic sẽ làm tăng tốc độ bài tiết axit dạ dày. Chính vì vậy, với những người bị viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày và loét tá tràng nên ăn ít lựu để hạn chế việc dạ dày tiết ra một lượng axit lớn làm tổn thương niêm mạc, gây bất lợi cho quá trình phục hồi của bệnh nhân.
Lựu là một loại trái cây khá khó tiêu hóa bởi trong nó chứa rất nhiều tannin có thể khiến tình trạng táo bón càng trở nên tồi tệ. Cùng với đó, lựu cũng có tính nóng khiến bệnh nhân ăn quá nhiều lựu một lúc sẽ khiến cơ thể xuất hiện tình trạng nóng trong.
Khi ăn cũng không nên nuốt hạt lựu vì khá khó tiêu hoá, với người lớn cần nhai kỹ trước khi nuốt, trẻ em tốt nhất không nên ăn cả hạt. Thực tế đã có trường hợp trẻ em nguy kịch vì tắc ruột do ăn nhiều hạt lựu.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/loai-qua-menh-danh-vua-chong-oxy-hoa-an-vao-them-tuoi-tre-giam-cholesterol-192241008180109558.htm