Một nghiên cứu khoa học tập trung vào mô hình di truyền cho biết, con người đến từ nhiều nơi chứ không phải xuất phát từ một điểm duy nhất.
Ý tưởng cho rằng chỉ có một địa điểm duy nhất là nơi sinh ra của loài người là không chính xác. (Nguồn: Indiatimes) |
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature ngày 17/5, các nhà khoa học tuyên bố rằng thuyết về sự tiến hóa từ một nguồn gốc – cho rằng chỉ có một địa điểm duy nhất là nơi sinh ra của loài người, là không chính xác.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin, Đại học California, Đại học Y khoa Baylor ở Texas, Mỹ, Đại học Stellenbosch ở Nam Phi và Đại học McGill ở Quebec (Canada).
Nghiên cứu cho biết: “Nhiều thập kỷ nghiên cứu về sự biến đổi bộ gene của con người đã gợi ý một mô hình kiểu thân cây phân nhánh về sự phân chia dân số từ một quần thể tổ tiên duy nhất ở châu Phi”.
Nhóm đã nghiên cứu bộ gene của khoảng 300 người có các nguồn gốc tổ tiên khác nhau (một số có từ hàng triệu năm trước), nhưng không thể xác định được một điểm duy nhất nào về nguồn gốc của loài người.
Thay vào đó, họ phát hiện rằng có ít nhất hai quần thể có thể là nguồn gốc của loài người – mà họ gọi là quần thể 1 và quần thể 2. Cả hai quần thể này đều có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng không ở cùng một nơi.
Theo các nhà nghiên cứu, hàng trăm nghìn năm trước, các quần thể người bắt đầu trộn lẫn, và hai quần thể nói trên đã hợp nhất để tạo thành điểm khởi đầu của một nhóm người sinh sống tại Châu Phi.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình máy tính để nghiên cứu làm thế nào mà các DNA của con người lan truyền theo thời gian ra khắp châu Phi. Mặc dù không rõ nguồn gốc của quần thể 1 và 2 từ đâu, nhưng các nhà khoa học cho rằng DNA của quần thể 1 và 2 vẫn tồn tại và sau đó đã có ảnh hưởng đến tổ tiên loài người cách đây 25.000 năm.
Nghiên cứu cũng gợi ý rằng một quần thể loài người cổ xưa bí ẩn, hay còn gọi là loài người “ma” có thể đã góp phần vào các sự kiện di cư và góp phần vào dữ liệu gene di truyền.