Giành lại ngôi vị Á quân
Cụ thể, theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Hà Nội đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 2,89 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo đó lần lượt là các tỉnh, thành phố Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Giang…
Về số lượng dự án, có 1.924 dự án mới đầu tư mới, tăng 69,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỉ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ. TP.HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.
Đặc biệt, qua 8 tháng của năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu với tổng vốn FDI đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đang giữ vị trí Á quân với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD.
Trước đó, từ tháng 4/2023, kinh doanh bất động sản đánh mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, kể từ tháng 7 đến nay, ngành này đã giành lại ngôi vị á quân.
Việc hút vốn FDI đến từ nhiều loại hình của bất động sản, trong đó có các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) dự án lớn diễn ra trong thời gian vài tháng trở lại đây. Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, trong những tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư ngoại đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng lên. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu săn lùng của nhiều nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư ngoại đang thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam phần lớn đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan… Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại thường tập trung vào các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.
Loại hình nào đang hút vốn mạnh?
Bên cạnh các thương vụ M&A, loại hình được đánh giá là điểm sáng của việc hút vốn FDI trong giai đoạn hiện tại đó chính là bất động sản công nghiệp. Không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà từ thời điểm đầu năm, khi thị trường bất động sản nói chung đang vô cùng trì trệ với việc thanh khoản đóng băng, bất động sản công nghiệp vẫn phát triển với nhiều chỉ số tích cực, được nhiều nhà đầu tư đón nhận.
Đơn cử như ngay trong quý I/2023, phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ với nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Coca – Cola, Meta, SpaceX, Netflix, Apple… đã đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác tại Việt Nam. Cho thấy Việt Nam đang có tiềm năng trở thành bến đỗ mới của nhiều công ty, tập đoàn. Đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy khả năng hút vốn của bất động sản công nghiệp.
Nói về loại hình này, nhiều ý kiến cho rằng với sự quan tâm ngày một tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự phát triển của bất động sản công nghiệp sẽ vẫn còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Bởi lẽ loại hình này đang nắm giữ nhiều lợi thế như cơ sở hạ tầng, nguồn lao động dồi dào, quỹ đất lớn, sự hỗ trợ hết sức từ chính sách đầu tư…
Tại một diễn đàn về bất động sản công nghiệp được tổ chức mới đây, ông Bruno Jaspaert – Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục giữ vững, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn.
Chuyên gia này cũng cho biết, hiện các nhà đầu tư đang nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong chính sách đầu tư và nhiều hỗ trợ rất cụ thể từ phía chính quyền địa phương. Ngoài ra, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các hiệp định FTA, mang lại lợi thế thương mại đáng kể, giúp gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư.
Tiếp đến là giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN. Xu hướng Trung Quốc+1 cũng đang trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, chiếm khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Trung Quốc.
Cuối cùng là việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Hiện đầu tư công vào cơ sở hạ tầng chiếm 52% kế hoạch chi tiêu công 2021 – 2025 và hạ tầng phát triển thì khu vực công nghiệp sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.
Trong thời gian tới, loại hình này được cho là sẽ tiếp tục hút vốn FDI và tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và có thể xảy đến trong tương lai như thủ tục đầu tư, pháp lý dự án, cơ sở hạ tầng năng lượng, dân số già hóa… Đó là những thách thức đối với loại hình này trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI đang ngày một tăng.