Nhằm giữ ấm cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch trong mùa lạnh, có thể kết hợp hai loại gia vị sẵn có trong bếp vừa giàu vitamin C cùng hơn 100 hợp chất hoạt tính sinh học một cách đơn giản, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng thực hiện tại nhà.
Tác dụng của trà chanh gừng
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị; có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc.
Trà chanh gừng là loại trà thảo mộc dịu nhẹ với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhờ giàu các thành phần chống oxy hóa như vitamin C, gingerol (trong gừng), limonene (trong chanh) cùng vitamin B6, magie và kali.
Còn theo Đông Y, chanh có vị chua ngọt, tính bình; vào vị có tác dụng sinh tân chỉ khát trừ thấp an thai; được dùng trong các trường hợp thử nhiệt phiền khát (cảm nắng, mất nước, khát nước, vật vã kích động); ăn kém, nhiễm độc thai nghén nôn ói, tăng huyết áp, bạch điến lang ben.
Theo Healthline, dưới đây là một số tác dụng của trà chanh gừng mà bạn có thể tham khảo:
Làm dịu chứng khó tiêu: Nhiều người thường bị đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn một bữa lớn giàu calo hoặc ăn khuya, lúc này một cốc trà chanh gừng có thể là thức uống giảm đầy bụng tuyệt vời, kể cả khi uống trước khi đi ngủ.
Điều này được giải thích là nhờ hai thành phần gingerol trong gừng và limonene trong chanh có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn, kích thích nhu động ruột và kích thích sản xuất dịch mật trong gan, từ đó ngăn ngừa chứng táo bón. Hơn nữa, mặc dù chanh có tính axit, nhưng thực tế nó ít axit hơn axit clohydric có trong dạ dày của bạn.
Giảm buồn nôn: Từ xa xưa, gừng đã được biết đến như một vị thuốc giúp giảm buồn nôn do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như buồn nôn do hóa trị, buồn nôn nghén khi mang thai, buồn nôn do say tàu xe,… nhờ những hợp chất hoạt tính trong gừng tương tác với các thụ thể serotonin trong ruột, giúp giảm tín hiệu buồn nôn đến não. Trong khi đó tinh dầu chanh được sử dụng để giảm buồn nôn như một phương pháp trị liệu bằng hương thơm giúp làm dịu hệ thần kinh trung ương.
Do vậy không có gì quá ngạc nhiên khi kết hợp chanh và gừng để pha trà có thể giúp giảm buồn nôn hiệu quả. Theo Healthline, khoảng 1 – 1,5 gam gừng mỗi ngày là đủ nếu bị buồn nôn.
Giảm nghẹt mũi: Hít hơi nước ấm từ cốc trà có thể giúp mở rộng đường thở, giảm nghẹt mũi đồng thời một tách trà chanh gừng ấm cũng giúp giảm dịu cổ họng đau rát và khó chịu do chảy dịch mũi. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, uống trà chanh gừng không giúp rút ngắn thời gian chữa cảm lạnh hay cảm cúm mà chỉ giúp giảm nhẹ một vài triệu chứng bệnh tại đường hô hấp.
Ngoài ra, nếu bị đau họng nghiêm trọng, sử dụng quá nhiều cốt chanh có thể gây tác dụng ngược lại.
Chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch: Gingerol và shogaol là hai hợp chất nổi tiếng với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, ngăn chặn con đường gây viêm trong cơ thể hiệu quả. Kết hợp với nguồn vitamin C, hesperidin và limonene dồi dào trong chanh sẽ giúp trà gừng chanh có tác dụng tăng cường miễn dịch hiệu quả, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Thúc đẩy quá trình hydrat hóa: Chưa xét đến tác dụng của gừng hay chanh đối với sức khỏe, chỉ riêng việc uống nước gừng chanh đã giúp bổ sung nước cho cơ thể, hỗ trợ quá trình hydrat hóa có lợi cho nhiều cơ quan quan trọng như thận, tim, ruột,… hoạt động trơn tru và bình thường.
Giảm đau: Theo WebMD, uống trà chanh gừng có thể giúp giảm đau liên quan đến viêm trong cơ thể, viêm khớp, thậm chí là đau đầu. Một số người thích uống trà chanh gừng để giảm đau nhức cơ sau khi tập luyện hoặc để giảm đau bụng kinh.
– Trà chanh gừng hỗ trợ giảm cân: Chanh đã được chứng minh có tác dụng giảm tình trạng kháng insulin và lượng chất béo được lưu trữ trong cơ thể. Gừng đã được chứng minh là giúp giảm cơn đói. Tất cả đều có lợi cho việc giảm cân.
– Có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch: Chanh giàu vitamin C giúp tăng lưu lượng máu trong động mạch và tĩnh mạch, do đó giúp ngăn ngừa đau tim và các bệnh tim khác. Gừng giàu chất chống oxy hóa, chống viêm, chống kết tập tiểu cầu và có tác dụng hạ lipid máu giúp giảm nguy cơ tim mạch.
Uống nước chanh gừng đúng cách
Mặc dù có nhiều lợi ích và được FDA cho rằng uống nước chanh gừng hầu như an toàn với mọi người nhưng thức uống này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn chẳng hạn như:
Cốc trà chanh gừng sẽ trở nên kém lành mạnh nếu thêm các chất tạo ngọt nhân tạo, bất lợi cho người đang bị tiểu đường, người gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu hay người đang cần theo dõi lượng carbohydrate nạp vào cơ thể, chẳng hạn như người theo chế độ ăn keto.
Rối loạn giấc ngủ, tiểu đêm: Nếu uống nước chanh gừng ngay sát giờ đi ngủ. Bởi vậy hãy cân nhắc uống trà trước khi đi ngủ từ 1 – 2 giờ.
Tương tác với thuốc chống đông máu: Gừng có chứa salicylate có tác dụng chống đông máu tự nhiên. Nếu đang sử dụng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ như warfarin hoặc thuốc không kê đơn như aspirin, hãy tránh xa thức uống này. Gừng cũng có thể tương tác với thuốc tiểu đường và thuốc điều trị huyết áp cao. Nó có thể gây giảm lượng đường trong máu và hạ huyết áp, vì vậy điều quan trọng là nếu đang dùng thuốc theo đơn thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà chanh gừng.
Đau dạ dày, đau bụng: Xảy ra nếu tiêu thụ trên 2 gam gừng mỗi ngày hoặc uống quá nhiều nước cốt chanh giàu axit citric, nhất là với người đang có sẵn các tổn thương tại đường tiêu hóa.
Ngoài ra, chanh có chứa oxalat với hàm lượng cao, nó có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người dễ bị tổn thương nên nhóm người bị bệnh thận cũng cần thận trong khi uống.
Cách đơn giản tự pha trà chanh gừng
Dựa trên các tác dụng của trà chanh gừng đối với sức khỏe, bạn có thể dễ dàng pha một cốc trà chanh gừng tại nhà theo cách sau:
Chuẩn bị: gừng, chanh và nước sạch.
Cách làm: Đập dập củ gừng (hoặc băm nhỏ, cắt lát càng mỏng càng tốt) rồi cho vào nước sôi đun tiếp khoảng 20 phút. Sau đó tắt bếp và thêm nước cốt chanh hoặc vài lát chanh mỏng, ngâm trong 5 phút rồi uống trong ngày. Tùy vào sở thích mà bạn có thể uống nóng hoặc lạnh.
Nhìn chung, uống trà chanh gừng có thể đem đến nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Điều cần thiết là chú ý tới các bất thường của cơ thể khi uống trà để kịp thời điều chỉnh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/loai-gia-vi-bep-nha-nao-cung-co-dem-pha-tra-giup-giu-am-co-the-tang-mien-dich-192241223153804064.htm