Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII (Hội nghị Trung ương 7) đã kết thúc thành công.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải gương mẫu
Tại phiên bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”…, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nổi bật là về kinh tế – xã hội (KT-XH), đất nước đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Đáng chú ý, đã có nhiều đổi mới rất tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý KT-XH và phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh để từng bước tiến tới “không dám”, “không thể”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
“Khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC
Tổng Bí thư cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như việc tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi, phát triển KT-XH có lúc, có nơi còn chậm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, không thể chủ quan, lơ là. Một số lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm, có trường hợp cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rút ra một số bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc. Theo đó, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải gương mẫu chấp hành nghiêm túc hơn nữa các quy chế, chế độ công tác; hoạt động trên cơ sở Quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa và hằng năm.
Cùng với đó, từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; tư tưởng chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn.
“Gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân. Tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người!” – Tổng Bí thư lưu ý.
Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII, Tổng Bí thư đề nghị tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn…
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đồng thời chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
“Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Về chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư cho biết từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7 này, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026 – 2031; chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Bỏ phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Ngày 17-5, tại Hội nghị Trung ương 7, bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương – trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình các vấn đề trung ương thảo luận về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo kiểm điểm cá nhân của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; trình bày tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thông qua Nghị quyết hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư cho biết đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện trung ương quản lý. Các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc “có vào, có ra; có lên, có xuống”; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao.
Nguồn NLDO