Thực tế tại các mùa tuyển sinh trước, không ít phương thức tuyển sinh chưa bảo đảm chất lượng đầu vào. Các chuyên gia cho rằng, Bộ GDĐT cần kiên quyết loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào và các tổ hợp lạ trong tuyển sinh.
Không nên khống chế tỷ lệ chỉ tiêu các phương thức xét tuyển
Bộ GDĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn, giảm đi 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay.
Do đó, phương án tuyển sinh đại học từ năm 2025 cũng sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh sắp tới, Bộ GDĐT đã công bố và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, từ nay cho đến đến ngày 22/1/2025.
Những điểm mới trong dự thảo đang nhận được sự quan tâm với nhiều ý kiến tranh luận, đáng chú ý là quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Các trường đại học cho rằng, quy định này có thể khiến các trường gặp khó trong tuyển sinh, còn thí sinh cũng bị giảm cơ hội trúng tuyển đại học.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, Bộ GDĐT không nên can thiệp quá sâu và khống chế tỷ lệ chỉ tiêu của các phương thức, vì tuyển sinh được sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt là trách nhiệm của người đứng đầu các trường.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GDĐT nên xem xét lại cơ sở khoa học đề xuất tỷ lệ này vì theo Luật, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Bộ chỉ nên hạn chế với các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để “vơ vét” người học.
Kiên quyết loại bỏ các tổ hợp lạ
Thực tế công tác tuyển sinh đại học những năm gần đây cho thấy, kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất. Bộ GDĐT đã đề nghị các trường đại học tăng chỉ tiêu của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên ghi nhận tại một số mùa tuyển sinh trở lại đây, các trường đại học đang có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh lo lắng.
Trong khi đó, nhiều phương thức tuyển sinh khác được các trường đại học sử dụng để xét tuyển không bảo đảm chất lượng đầu vào, dẫn đến có nhiều sinh viên không đáp ứng yêu cầu của ngành học phải bỏ học, thôi học gây lãng phí nguồn lực cho người học và cho xã hội.
Thậm chí theo đánh giá của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhiều trường đại học đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh lạ, phi truyền thống, không hẳn nhằm mục đích hướng nghiệp mà chỉ nhằm mục đích tuyển sinh.
Hiệp hội cũng thẳng thắn đánh giá, hoạt động tuyển sinh đại học và cao đẳng ngày càng lộn xộn, kém hiệu quả; tạo ra sự mất bình đẳng về cơ hội được tiếp cận giáo dục đại học đối với các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội.
Trước bất cập nêu trên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, Bộ GDĐT cần quy định về đánh giá chất lượng của các phương thức tuyển sinh của các trường đại học theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng.
“Bộ GDĐT cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành được đào tạo, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học. Đồng thời, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp lạ”, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam nêu ý kiến.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng kiến nghị, Bộ GDĐT cần làm rõ khái niệm “xét tuyển sớm” hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển.
Thí sinh này chỉ mới đáp ứng điều kiện đủ là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của đại học, trường đại học mà chưa đạt điều kiện cần theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp THPT. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.
Nguồn: https://daidoanket.vn/loai-bo-phuong-thuc-tuyen-sinh-de-dai-khong-bao-dam-chat-luong-dau-vao-10295904.html