Việc lập giá bán điện bình quân sẽ trên cơ sở các chi phí phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành, quản lý ngành và các khoản chi phí khác được phân bổ, chỉ bao gồm những chi phí được phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.
Tại dự thảo, một số chi phí lợi nhuận định mức trong tính giá điện bình quân được loại ra khỏi công thức tính giá cũ. Chẳng hạn các chi phí mua điện và lợi nhuận định mức của khâu dịch vụ phụ trợ; chi phí mua điện dịch vụ truyền tải điện và dịch vụ phân phối – bán lẻ điện; chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện…
Việc kiểm tra, rà soát giá thành, chi phí… sản xuất kinh doanh điện sẽ do Bộ Công thương chủ trì, Bộ Tài chính tham gia với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá. Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cùng các đơn vị thành viên.
Ngoài ra, Bộ Công thương vẫn bảo lưu quan điểm về quy định liên quan tới tổng các chi phí khác được tính vào giá điện. Giữ nguyên nội dung phân bổ tỷ giá vào giá điện, “bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ” để đảm bảo tính thống nhất, không có cách hiểu khác. Với quy định này. có thể hiểu, khoản lỗ tỷ giá tính hết năm 2022 khoảng 14.700 tỉ đồng có thể sẽ được đưa vào trong giá điện bình quân tính, nếu dự thảo được thông qua.
Về cơ chế điều chỉnh giá, dự thảo đề xuất khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện sẽ được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Ở chiều ngược lại, khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng.
Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến cụ thể.
Dự thảo mới bảo lưu quy định về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân được thực hiện trên cơ sở hằng năm sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân năm được xem xét điều chỉnh theo biến động khách quan, thông số đầu vào của tất cả các khâu.