Hơn 11.000 khách hàng đã đăng ký giảm phụ tải để giúp bớt áp lực trước nguy cơ thiếu điện tăng cao.
Điều chỉnh phụ tải điện (DR) là một trong những chương trình nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, chuyển sang giờ thấp điểm. Trước đây, việc giảm phụ tải đa phần được các doanh nghiệp miền Bắc áp dụng. Tuy nhiên, năm nay, khi nguồn cung điện có nguy cơ thiếu hụt vào mùa khô trên diện rộng, các công ty điện lực ở miền Nam đã đồng loạt kêu gọi doanh nghiệp lớn, sản xuất công nghiệp tham gia.
Đóng tiền điện với số tiền lên tới 50 tỷ đồng mỗi tháng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dệt Texhong Nhơn Trạch – doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi lớn nhất Đồng Nai, khá lo lắng nếu nguồn cung điện thiếu hụt. Do đó, khi được các công ty điện lực đề xuất thực hiện các giải pháp điều chỉnh phụ tải, công ty áp dụng ngay.
Cụ thể, công ty phân bổ các máy sản xuất theo thời gian hợp lý với 3 mốc thời gian khác nhau là cao điểm, thấp điểm và thông thường. Trong đó, các giờ cao điểm như buổi trưa, công ty sẽ giảm sản xuất, còn thấp điểm như chiều tối hoặc đêm sau 22h có thể chạy “full tải”. Ngoài ra, công ty còn lắp thêm biến tần, động cơ tiết kiệm năng lượng, đèn led chiếu sáng công suất thấp hay tập huấn cho công nhân tiết kiệm điện.
“Nhờ áp dụng các giải pháp, mỗi tháng chúng tôi giảm hàng tỷ đồng tiền điện”, ông Tuấn nói.
Tương tự, tiêu thụ hàng tháng bình quân trên 17 triệu KWh – Công ty Changshin Việt Nam, cho biết từ tháng 5 đã sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, để vừa đáp ứng yêu cầu khách hàng vừa đảm bảo giảm phụ tải theo yêu cầu của ngành điện.
“Chúng tôi xây dựng kịch bản điều chỉnh sản xuất theo từng bộ phận, trong đó, nhiều hoạt động sản xuất ban ngày được tăng cường vào ban đêm”, đại diện doanh nghiệp trên nói.
Ngoài ra, công ty này còn chạy thêm máy phát điện công suất 1MW vào các giờ cao điểm nhằm đảm bảo việc cung ứng điện an toàn và ổn định.
Đại diện công ty này cũng cho biết, từ 2009 tới nay, doanh nghiệp đã có nhiều dự án tiết kiệm điện như dùng đèn LED, bảo ôn các máy ép Phylon, thay motor loại hiệu suất cao, đầu từ hệ thống quản lý năng nên mỗi năm công ty tiết kiệm được 2,5% lượng điện tiêu thụ. Trong 5 năm công ty tiết kiệm được trên 22 triệu KWh.
Trước sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và tổ chức lớn, báo cáo của EVN gần đây cho thấy, đã có hơn 11.000 khách hàng ký thỏa thuận tham gia chương trình DR. Trong 4 ngày gần đây, theo lệnh điều độ để đảm bảo yêu cầu vận hành an toàn, trung bình mỗi ngày các đơn vị đã thực hiện 80-90 sự kiện DR với khoảng 2.500 khách hàng tham gia và công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400 MW.
Tại miền Nam, lãnh đạo EVN SPC cho biết, có 6.521 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh một năm đã đăng ký tham gia chương trình. Nhiều khách hàng tự nguyện giảm tiêu thụ điện trong khung giờ 13-16h.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn hiện nay, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp cấp bách.
EVN cũng đề nghị các địa phương tiết kiệm điện 10% trong trụ sở các cơ quan hành chính sự nghiệp; trụ sở các đơn vị ngành điện giảm 15% lượng điện tiêu thụ; giảm công suất chiếu sáng tại địa phương 50% so với cùng kỳ năm ngoái… Trong 4 ngày thực hiện những giải pháp này, bình quân mỗi ngày giúp tiết kiệm điện được 5,9 triệu kWh.
“Đây là con số quý trong lúc khó khăn đảm bảo cung ứng điện. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp, người dân cùng ngành điện tiết kiệm, đảm bảo cung ứng điện cho thời gian tới”, Phó tổng giám đốc EVN chia sẻ.
Ngoài tiết kiệm điện, tập đoàn này đang triển khai hàng loạt giải pháp để huy động tối ưu các nguồn điện hiện có. Trong đó, đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) để tăng nguồn cung nhiên liệu than, khí.
EVN cũng đang đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Sông Lô 7, Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống. Ngoài ra, các nguồn điện chạy dầu phía Nam có chi phí cao cũng được huy động.
Trong báo cáo gửi Chính phủ ngày 21/5, EVN cho biết đã tăng sản lượng điện sản xuất từ than, dầu và nhập khẩu, giảm tối đa huy động thủy điện để giữ mực nước trong các hồ chứa thủy điện. Việc này nhằm duy trì và nâng dần mực nước các hồ thủy lớn phía Bắc.
Các nguồn điện mới cũng đang được đơn vị này nỗ lực bổ sung, gồm các nguồn từ 15 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã có giá tạm tính, công suất 1.150 MW. Mua điện từ Trung Quốc trong tháng 5, 6 và 7 với công suất 70 MW; nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, thủy điện Nậm San được đóng điện từ 22/5.
Theo EVN, hiện có 13/47 hồ thủy điện thuộc EVN và của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4.500 MW). Trong đó có các hồ thủy điện lớn của EVN như: Lai Châu, Trị An, Italy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ.
Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Thi Hà – Anh Minh