(CLO) Chính quyền Iraq đang cân nhắc can thiệp quân sự vào Syria, đặc biệt khi nhóm nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni xuất thân từ tổ chức khủng bố Al Qaeda đã chiếm hai thành phố của Syria và đang tiến về thành phố thứ ba.
Iraq, nơi có đa số người hồi giáo dòng Shi’ite, có lịch sử phức tạp với các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni ở Syria. Hàng nghìn chiến binh Hồi giáo Sunni từng vượt biên vào Iraq sau cuộc tấn công của Mỹ năm 2003, tham gia vào các cuộc tấn công giáo phái. Sau đó, chúng quay lại Iraq vào năm 2013 dưới danh nghĩa Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq.
Hayat Tahrir al-Sham, dẫn đầu liên minh nổi dậy, xuất phát từ một nhánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda và có mối quan hệ với IS. Họ nói rằng không có tham vọng ở Iraq, nhưng các giới chức Iraq không mấy tin tưởng vào những tuyên bố này.
Iraq đã tập hợp lượng lớn chiến binh từ quân đội chính quy cũng như Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), một nhóm dân quân trước đây từng chiến đấu ở Syria. Tuy nhiên theo các nguồn tin, cho đến nay, các chỉ đạo của chính quyền Iraq chỉ nhằm bảo vệ khu vực phía tây Iraq, chứ chưa quyết định can thiệp để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, những tính toán có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình, đặc biệt nếu quân nổi dậy chiếm được thành phố lớn khác là Homs của Syria hoặc nếu Tổng thống Assad bị lật đổ.
Người phát ngôn Chính phủ Iraq Bassem Al-Awadi khẳng định Iraq không tìm kiếm sự can thiệp quân sự vào Syria, nhưng đồng thời coi việc phân chia Syria là “lằn ranh đỏ” của Iraq. Mặc dù đã có thông tin về hàng trăm chiến binh Iraq gia nhập lực lượng của Tổng thống Assad, nhưng chưa có cuộc huy động quân sự quy mô lớn nào từ Iraq.
Chính phủ Iraq, do Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani đứng đầu, cố gắng tránh bị kéo vào cuộc xung đột khu vực ngày càng trầm trọng xảy ra sau cuộc chiến ở Gaza, thay vào đó tập trung vào công tác tái thiết sau nhiều năm chiến tranh. Tuy nhiên, lãnh đạo Falih al-Fayadh của PMF đã cảnh báo rằng không thể hoàn toàn bỏ qua tình hình Syria vì sự bất ổn ở khu vực lân cận có thể ảnh hưởng đến an ninh Iraq.
Iraq, dưới sự lãnh đạo của liên minh các đảng phái Shi’ite và các nhóm vũ trang thân Iran, hiện là một yếu tố quan trọng trong “Trục kháng chiến” của Tehran, cùng với Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon. Với sự suy yếu của các thế lực này do các cuộc tấn công của Israel, một số nhà phân tích cho rằng các chiến binh dày dạn kinh nghiệm trong các lực lượng vũ trang của Iraq có thể là lực lượng chủ chốt can thiệp vào Syria.
Mặc dù một số nhóm từng chiến đấu cùng ông Assad và có lợi ích ở Syria muốn tham gia trở lại, nhưng các đảng phái khác lo ngại sự can thiệp sẽ gây thêm bất ổn. Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Hussein đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Syria Bassam Sabbagh và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tại Baghdad, trong đó lên án cuộc tấn công của các “thực thể khủng bố” tại Syria và cam kết cung cấp hỗ trợ cho Syria.
Thủ lĩnh nhóm nổi dậy Syriam Abu Mohammad al-Golani, người đã bắt đầu sự nghiệp chiến đấu của mình với Al Qaeda ở Iraq trước khi chuyển sang Syria, đã kêu gọi Chính phủ Iraq ngừng can thiệp vào Syria, khẳng định nhóm này muốn có mối quan hệ chiến lược và kinh tế với Iraq sau khi lật đổ chế độ Tổng thống Assad.
Ngọc Ánh (theo AJ, Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/lo-so-khung-bo-lon-manh-tro-lai-iraq-can-nhac-dua-quan-vao-syria-post324554.html