ANTD.VN – Hoạt động trấn áp tội phạm đòi nợ “xã hội đen” của lực lượng Công an đã khiến các băng nhóm hoạt động trong lĩnh vực này tan rã, co cụm.
Đòi nợ xã hội đen, đòi 571 tỷ, hưởng hoa hồng 485 tỷ
Thông tin tại Hội thảo Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và hoạt động thu hồi nợ hiện nay, do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, Thượng tá Bùi Đức Tài – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, đầu năm 2023, lợi dụng những khó khăn của tình hình kinh tế – xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen có những diễn biến phức tạp.
Các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1.000%/năm. Sau đó, móc nối với một số nhân viên ngân hàng, công ty trung gian thanh toán, ví điện tử để giải ngân, thu hồi các khoản vay.
Một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi của các app cho vay, công ty tài chính, ngân hàng, sau đó gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.
Lực lượng Công an đã triệt phá hàng loạt các doanh nghiệp núp bóng và xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản thì các đối tượng có dấu hiệu tan rã, co cụm, hoạt động cầm chừng, tình trạng gọi điện, nhắn tin khủng bố có dấu hiệu giảm.
Một số vụ việc được cơ quan công an triệt phá như: Công an TP.HCM triệt phá các băng nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ, Công ty CP ĐTKD F88 có các bộ phận thu hồi nợ với hàng chục, hàng trăm nhân viên, chuyên gọi điện đe dọa, khủng bố người vay và người thân người vay. Đến nay đã khởi tố 64 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Hà Nội, lực lượng Công an cũng đã đấu tranh chuyên án triệt phá băng nhóm núp bóng 07 công ty với 119 nhân viên hoạt động đòi nợ thuê. Trong đó, mỗi tháng nhân viên được giao thu hồi 300 triệu đồng tiền nợ, nếu 02 tháng liên tiếp không đạt chỉ tiêu sẽ đuổi việc.
Từ tháng 7/2018 đến hết 2022, băng nhóm này đã đòi nợ được 571 tỷ đồng, hưởng hoa hồng 485 tỷ đồng. Đến nay đã khởi tố 36 bị can.
Nhức nhối nợ xấu và nạn “bùng nợ”, tín dụng tiêu dùng teo tóp
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng tăng cao.
Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.
Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý… Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.
Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng dẫn số liệu đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống mới chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).
Trong đó, riêng cho vay của nhóm công ty tài chính chỉ đạt 134.279 tỷ đồng. Như vậy, so với cuối năm ngoái, tín dụng của nhóm công ty tài chính sụt giảm tới 33%.
Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống lên đến gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ trên dưới 2%.
Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Để hạn chế tình trạng tín dụng đen và đòi nợ bất hợp pháp, các chuyên gia cho rằng cần công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; đồng thời rà soát, khắc phục những sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng là ngành ngân hàng phải ứng dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó, làm sạch và loại bỏ tài khoản ngân hàng “ảo”, giúp rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân…
Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư cần kết hợp hệ thống chấm điểm tín dụng của CIC và dựa trên dữ liệu big data… Khi người dân hiểu được nếu bị chấm điểm tín dụng thấp thì sẽ dẫn tới hậu quả như khó tiếp cận tín dụng, lãi suất cao hơn… thì họ sẽ chuyển biến trong nhận thức.