Ngành cà phê nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU Áp lực nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng vọt gần 3,9% |
Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của hai mặt hàng này, đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong 6 tháng. Lo ngại nắng nóng tại Brazil sẽ làm giảm sản lượng cà phê niên vụ 2024/25 tiếp tục là nhân tố chính hỗ trợ giá.
Giá cà phê xuất khẩu duy trì đà tăng mạnh |
Viện khí tượng Quốc gia Brazil (Inmet) đưa ra cảnh báo đặc biệt về một đợt khô nóng vượt ngưỡng 40 độ C trong vài ngày tới, sẽ bao phủ khắp các vùng trồng cà phê chính ít nhất trong 4 ngày.
Bên cạnh đó, tồn kho Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) chỉ ở mức 34.720 tấn, giảm dần về mức thấp lịch sử hồi cuối tháng 8/2023, với 33.630 tấn, cũng góp phần hỗ trợ giá tăng trong phiên hôm qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (14/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 63.600 – 64.400 đồng/kg, tăng so với ngày hôm qua.
Ngay ở đầu niên vụ 2023/2024, giá cà phê nhân Việt Nam đã ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Với dự báo giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, mức kim ngạch xuất khẩu từ 4,5 – 5 tỷ USD vào năm 2024 là trong tầm tay.
Ngay ở đầu niên vụ 2023/2024, giá cà phê nhân Việt Nam đã ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg (Ảnh: Báo Dân tộc Phát triển) |
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể, trong đó có việc đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời gia tăng được tỷ lệ chế biến sâu.
Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Tuy nhiên trong đó chưa tới 1/4 diện tích đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận chuẩn quốc tế.
Theo các doanh nghiệp, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Trong bối cảnh thế giới khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao, Việt Nam lại đang bước vào chính vụ thu hoạch, ngành cà phê kỳ vọng sẽ có mùa kinh doanh sôi động cuối năm.
Đặc biệt, hướng tới xuất khẩu bền vững, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn, chiếm khoảng 5,4% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ vừa qua. Kim ngạch khoảng 510 triệu USD, chiếm khoảng 12,5%.
Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.