Đó là nội dung kiến nghị của EVN nêu trong tham luận chia sẻ tại hội thảo: Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28.7.
Theo đại diện EVN, năm 2023, tập đoàn này sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh do giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới và tỷ giá đồng USD vẫn đang ở mức cao.
Các nhà cung cấp than trong nước (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc) dự kiến chỉ cấp nguồn than pha trộn có giá bán cao (than phối trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu), hạn chế cấp than sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các nguồn điện có giá thành thấp như thủy điện có tỷ trọng giảm dần so với các năm trước đây.
Đại diện EVN cho rằng, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị lỗ, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay và các năm tiếp theo.
Cụ thể hiện nay, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì từ nay đến tháng 12, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền đảm bảo thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện. EVN đang còn nợ tiền của nhiều đơn vị phát điện.
“Trong thời gian tới, EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện”, vị đại diện EVN nói.
Cũng theo đại diện EVN, giai đoạn 2020 – 2022, tập đoàn này cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10 – 50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm nay, EVN tiếp tục cắt giảm chi phí này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.
EVN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện để đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo. Cụ thể, ngay trong năm nay, EVN có kế hoạch đầu tư xây dựng khoảng 94.860 tỉ đồng. Nhưng với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, không thể trả nợ đúng hạn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay đối với EVN.
Ngoài ra, khó khăn tài chính của EVN sẽ ảnh hưởng đến tiền lương của gần 90.000 người lao động tại EVN và các đơn vị thành viên nỗ lực sản xuất kinh doanh để đảm bảo cung cấp đủ điện, ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép EVN tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh giá điện các lần tiếp theo trong năm nay, giá điện tăng không giật cục, có lộ trình, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017/QE TTg.
EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tập đoàn này được vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đảm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.
EVN cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép EVN thực hiện tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ các chi phí; chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là “do thực hiện chính sách”.