Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến không còn là đại diện pháp luật, cổ phiếu ITA của Tân Tạo bị đưa vào diện kiểm soát
Trong những ngày vừa qua, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) đang khiến các cổ đông của mình đứng ngồi không yên trước những tin tức mới được công bố. Đầu tiên là việc thay đổi bà Đặng Thị Hoàng Yến không còn là người đại diện pháp luật của công ty. Tiếp ngay sau đó là việc cổ phiếu ITA bị đưa vào diện kiểm soát.
Cụ thể thì Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa quyết định đưa cổ phiếu mã ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo vào diện kiểm soát. Thời gian có hiệu lực bắt đầu từ ngày 22/6/2023.
Lý do mà HOSE đưa ra đó là bởi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 và năm 2022 bị âm dựa theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022. Đây là trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.
Trước đó, trong quyết định ngày 14/4/2023 của Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM, do BCTC kiểm toán năm 2022 của Tân Tạo có ý kiến ngoại trừ. Đồng thời công ty cũng đã vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong năm 2022 nên mã ITA cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Thua lỗ hàng trăm tỷ đồng chỉ trong 2 năm, Quý 1 vừa qua cũng chỉ ghi nhận lãi “èo uột”
Về tình hình kinh doanh trong 2 năm gần nhất, Tân Tạo ITA ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm tới hàng trăm tỷ đồng. Đáng chú ý nhất phải kể đến là Quý 4 năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu âm tới 2.033 tỷ đồng trên BCTC. Lợi nhuận gộp theo đó cũng ghi lỗ 423 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là âm 330 tỷ đồng.
Nguyên nhân gây nên tình trạng doanh thu âm tới hơn 2.033 tỷ đồng trong Quý 4 là bởi công ty đã bị buộc thanh lý hợp đồng thuê đất dài hạn dùng để xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương số 2804/HĐKT-10 ngày 28/4/2010 và Phụ lục Hợp đồng số 2804/PLHĐKT-12 ngày 17/7/2012. Văn bản này được ký giữa CTCP Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) và CTCP Phát triển năng lượng Tân Tạo TEDC.
Thanh lý hợp đồng sớm khiến Tân Tạo phải giảm trừ doanh thu, gây nên tình trạng doanh thu âm tới hơn 2.033 tỷ đồng.
Tuy lý do là vậy nhưng nếu không tính khoản giảm trừ doanh thu này thì trong năm 2022, Tân Tạo cũng chỉ đạt được 577 tỷ đồng doanh thu, giảm khoảng 38,1% so với thực hiện trong năm 2021. Tổng thể năm 2022, Tân Tạo thua lỗ 258 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2021, đơn vị này cũng ghi nhận khoản lỗ tới 404 tỷ đồng. 2 năm liên tiếp ghi nhận thua lỗ khiến cổ phiếu của Tân Tạo bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 22/6/2023.
Hơn 2.119 tỷ đồng nằm trên giấy tờ tại các công ty liên quan trong hệ sinh thái
Kinh doanh 2 năm liền thua lỗ, Tân Tạo ITA của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến vừa đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2023 một cách đầy tham vọng. Công ty dự kiến doanh thu năm 2023 là 774 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 257 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Tân Tạo dự kiến thực hiện đầu tư dự án Khu công nghiệp Tân Tạo – Long An với quy mô khoảng 414,7 ha nằm tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng tại thời điểm hiện tại, cơ cấu tài sản của Tân Tạo ITA đang có một số vấn đề. Tính tới thời điểm kết thúc Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của Tân Tạo đạt 12.313 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Các khoản phải thu dài hạn ghi nhận tăng rất mạnh, từ hơn 8 tỷ đồng cuối năm 2022 lên tới 2.119 tỷ đồng tại cuối Quý 1 năm 2023.
Lượng tài sản 2.119 tỷ đồng thuộc dạng phải thu này mới chỉ nằm trên giấy tờ và theo thuyết minh trên BCTC của Tân Tạo thì chúng đều đang nằm tại các công ty con mà Tân Tạp đang là Đồng thành viên quản lý.
Cụ thể thì Tân Tạo ghi nhận phải thu 1.253 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo; phải thu 677 tỷ đồng từ CTCP Đại học Tân Tạo; phải thu 231 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Nghiên cứu & Xuất khẩu Gạo Thươm ITA – RICE; phải thu 177 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Tin học & Tư vấn Xây dựng Phương Nam.