ANTD.VN – Đại diện các ngân hàng cho rằng nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó.
Doanh nghiệp khó, ngân hàng cũng khó
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hết quý 1-2023, tín dụng toàn ngành chỉ tăng hơn 2%, trong khi cùng kỳ là 5%. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang chững lại, do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất khi chi phí vốn tăng cao, người dân cũng thu hẹp tài chính.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank, ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó. Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4%.
Ngành ngân hàng thời gian qua cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Trong đó, năm 2022 là rủi ro thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, rủi ro danh tiếng (do ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp – bảo hiểm).
Năm 2023 là rủi ro lớn nhất là về tín dụng. “Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như: rủi ro an ninh các phòng giao dịch (trộm cướp phát sinh), rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng từ bên ngoài…” – ông Tùng cho biết.
Theo ông, thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng, chất lượng nợ suy giảm, phải trích lập nhiều hơn thì ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng. Với các ngân hàng thương mại Nhà nước như VietinBank còn phải giảm lãi suất.
Ngân hàng lo đối mặt rủi ro khi kinh tế khó khăn |
Mặc dù vậy, ông Tùng đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ trong ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công… cũng như các giải pháp của ngành ngân hàng trong ổn định hệ thống, cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Đặc biệt, việc NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp các ngân hàng giãn dự phòng, giúp cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng vượt qua khó khăn.
Cũng cho rằng ngành ngân hàng đang đối mặt nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam nhận định hiện nay NHNN đang “đi trên dây”, vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp.
“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng cảnh báo.
Theo ông, mặc dù Thông tư 02/2023 về giãn hoãn nợ là tin vui với cả ngân hàng và doanh nghiệp, song nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước “thở phào nhẹ nhõm” dù áp lực vẫn lớn
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, trong năm 2022, áp lực với tỷ giá và thị trường ngoại hối rất cao do những biến động bất thường và rất mạnh của kinh tế thế giới.
Không chỉ vậy, với Việt Nam, vụ việc SCB, Vạn Thịnh Phát làm kỳ vọng giảm giá VND tăng cao, gây áp lực lên hoạt động điều hành chính sách tiền tệ.
“Chúng tôi phải nâng biên độ, nâng lãi suất để bảo đảm linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Kết quả là VND là một trong những đồng tiền có biên độ giảm giá thấp hơn nhiều so với các đồng nội tệ khác, tỷ giá cũng không biến động mạnh như các quốc gia khác, hoạt động trên thị trường được thông suốt” – đại diện NHNN cho biết.
Với năm 2023, khi các áp lực đã dịu hơn, ngân hàng trung ương các nước và Fed giảm dần biên độ và cường độ tăng lãi suất, cung cầu tiền tệ trong nước được cải thiện, thêm vào đó là các giải pháp điều hành thì tỷ giá đã ổn định, thị trường thông suốt. Ngoài ra, NHNN cũng mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
“Mọi người có thể thấy bình thường, nhưng những người ở NHNN đã thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi cũng có thêm kinh nghiệm qua thời gian vừa rồi. Bên cạnh đó, niềm tin của thị trường vào hoạt động điều hành của NHNN cũng được củng cố” – bà Bình chia sẻ.
Dù vậy, đại diện NHNN cho rằng, trước khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, hiện nay, NHNN và hệ thống các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực lớn về giảm lãi suất và tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Chủ trương của NHNN là tăng trưởng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực ưu tiên. Thời gian qua, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn.
Tuy vậy, doanh nghiệp muốn vay được vốn thì phải đáp ứng được các yêu cầu, chứng minh năng lực, hoạt động hiệu quả – khả thi. Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP tại nước ta vẫn rất cao. Vì vậy, phải giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nếu không sẽ khó giảm lãi suất.
“Điều này không chỉ phụ thuộc vào NHNN mà còn phụ thuộc vào tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lượng doanh nghiệp, cải thiện chất lượng thị trường vốn”, bà Bình cho hay.