Theo TechRadar, một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng vừa được phát hiện trong chuẩn Wi-Fi IEEE 802.11 có thể cho phép tin tặc dễ dàng xâm nhập và theo dõi mạng của người dùng. Lỗ hổng này được gọi là ‘SSID Confusion’, được theo dõi với mã CVE-2023-52424, đang ảnh hưởng đến tất cả các hệ điều hành và thiết bị Wi-Fi, bất kể mạng gia đình hay mạng lưới mesh, sử dụng bất kỳ giao thức WEP, WPA3, 802.11X/EAP hay AMPE.
Theo The Hacker News, kẻ tấn công có thể lợi dụng lỗ hổng này để giả mạo tên mạng Wi-Fi đáng tin cậy (SSID), đánh lừa thiết bị của người dùng kết nối với mạng Wi-Fi độc hại thay vì SSID thật. Khi đó, tin tặc có thể lén lút theo dõi lưu lượng truy cập mạng, đánh cắp thông tin nhạy cảm như mật khẩu, tài khoản ngân hàng, email… của người dùng.
Lỗ hổng ‘SSID Confusion’ hoạt động dựa trên việc SSID không phải lúc nào cũng được xác thực và các biện pháp bảo mật chỉ được kích hoạt khi thiết bị yêu cầu tham gia một mạng cụ thể. Kẻ tấn công có thể tạo ra một mạng Wi-Fi có tên SSID tương tự như mạng Wi-Fi mà người dùng tin tưởng và sử dụng thông tin xác thực giống nhau. Khi thiết bị của người dùng cố gắng kết nối với mạng Wi-Fi, nó sẽ tự động kết nối với mạng Wi-Fi độc hại do tin tặc tạo ra mà không hề hay biết.
Tuy nhiên, để cuộc tấn công đạt kết quả, kẻ tấn công cần phải ở gần phạm vi của nạn nhân để thực hiện tấn công trung gian (Attacker-in-the-Middle) giữa nạn nhân và mạng đáng tin cậy.
Để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị tấn công SSID Confusion, người dùng nên cập nhật thiết bị lên phiên bản Wi-Fi mới nhất (802.11) và sử dụng mật khẩu mạnh cho mạng Wi-Fi. Ngoài ra, người dùng cũng nên cẩn thận khi kết nối với các mạng Wi-Fi công cộng và chỉ truy cập vào các trang web có sử dụng kết nối HTTPS.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lo-hong-bao-mat-nguy-hiem-cho-phep-tin-tac-theo-doi-mang-wi-fi-185240519094046005.htm