Để bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế, nếu chỉ giao phó cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có vẻ sẽ quá sức của đơn vị này. Nền kinh tế Việt Nam đang lên nhanh như diều trong thời gian qua, và rất nhiều nhà đầu tư từ nhiều quốc gia đang muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

Tất nhiên, EVN không phải là nhà sản xuất điện duy nhất mà còn một số nhà máy điện thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà máy của tư nhân. Thế nhưng, EVN là đơn vị duy nhất được quyền mua điện từ các máy này để phân phối cho nền kinh tế.

Công nhân Điện lực TP Hồ Chí Minh sửa chữa điện trên đường dây 22 kV tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Vnexpress

Nhiều ý kiến cho rằng nếu không giao cho EVN thì biết giao cho ai để bảo đảm độ tin cậy, bảo đảm vừa cung ứng đủ điện, vừa với mức giá hợp lý. Theo những ý kiến này thì các nhà đầu tư tư nhân vì chạy theo lợi nhuận nên sẽ có xu hướng đẩy giá điện lên cao, gây bất lợi cho nền kinh tế.

Suy nghĩ như vậy là chưa đầy đủ. Và vì chưa đầy đủ nên sẽ không đúng. Đó là vì trong nền kinh tế thị trường thì nhà đầu tư phải vì lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận không đồng nghĩa với giá cao. Việc hợp lý hóa công nghệ, nhân lực, hiệu quả quản lý có thể sẽ làm giá giảm, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Ngành viễn thông là minh chứng rõ nét của điều này khi giá cước cuộc gọi và nhắn tin từ chỗ rất đắt đến rất rẻ và thậm chí tới nay gần như là miễn phí với các công nghệ mới. Vừa qua, giá điện tại châu Âu thậm chí có thời điểm trong ngày ở mức giá âm do công nghệ sản xuất điện năng lượng tái tạo đã có những bước đột phá và cung vượt xa cầu. Vì vậy, giá điện không phải là lúc nào cũng có xu hướng tăng mà sẽ có xu hướng giảm nếu ta biết cách phát triển thị trường điện hợp lý.

Làm cho giá rẻ đi, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn chính là thế mạnh sáng tạo của kinh tế thị trường. Chúng ta cần tìm cách cởi trói cho sức mạnh sáng tạo này.

Định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường là rất cần thiết. Các công cụ điều tiết là những doanh nghiệp nhà nước như EVN luôn bảo đảm một phần sản xuất, cung ứng, không để cả nền kinh tế bị rơi vào thế việt vị với bất cứ tình huống nào. Tuy nhiên, nếu chỉ một đơn vị cung ứng cho cả nền kinh tế đang mở rộng nhanh nhu cầu thì chắc chắn sẽ không bảo đảm được.

Chúng ta nói nhiều đến cơ hội đón thêm dòng vốn đầu tư quốc tế, thu hút khách du lịch quốc tế mà lại để doanh nghiệp thiếu điện, khu du lịch mất điện, người dân lo nơm nớp chuyện mất điện vào ngày nắng nóng… thì liệu những cơ hội đó có thành hiện thực?

Do vậy, cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ hình thành một thị trường điện hoàn chỉnh để các nhà máy điện có thể bán trực tiếp cho các hộ tiêu dùng. Càng nhiều nhà sản xuất, cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng, càng phá thế độc quyền thì xu hướng giá hàng hóa, dịch vụ càng rẻ đi. Việc vận hành kinh tế thị trường trên thế giới cũng như kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy rõ điều đó.

HỒ QUANG PHƯƠNG