(NLĐO) – Bộ xương 75 triệu tuổi của một con quái thú có thể nặng hàng chục tấn, cao ít nhất 4 lần con người vừa được khai quật ở Tây Ban Nha.
Theo PHYS, loài quái thú mới được đặt tên là Qunkasaura pintiquiniestra, một thành viên của dòng họ khủng long to lớn nhất thế giới titanosaurus, tức “thằn lằn hộ pháp”.
Bộ xương hóa thạch khổng lồ của Qunkasaura pintiquiniestra đã được tìm thấy ở khu vực TP Cuenca, Tây Ban Nha.
Tại khu vực này, được gọi là mỏ hóa thạch Lo Hueco, hơn 12.000 mẫu vật đã được thu thập từ năm 2007 trở đi trong quá trình lắp đặt đường ray tàu cao tốc Madrid-Levante (AVE).
Các mẫu vật đã tạo nên một trong trong những bộ sưu tập hóa thạch động vật có xương sống có ý nghĩa nhất từ thế Phấn Trắng muộn (thế cuối cùng của kỷ Phấn Trắng) ở châu Âu.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Viện Dom Luiz thuộc Khoa Khoa học của Đại học Lisbon (CIÊNCIAS – Bồ Đào Nha) đã phân tích mẫu vật và xác định con quái thú họ vừa tìm thấy cũng là sinh vật thế Phấn Trắng muộn, sống vào khoảng 75 triệu năm trước.
Vào thời kỳ đó, châu Âu là một quần đảo khổng lồ và Qunkasaura pintiquiniestra tìm đến Bán đảo Iberia khi nơi đây đã có dấu chân các khủng long khổng lồ từ 2 triệu năm trước đó.
Mẫu vật này cũng là một trong những bộ xương khủng long chân thằn lằn sauropod hoàn chỉnh nhất được tìm thấy ở châu Âu với các phần được tìm thấy bao gồm đốt sống cổ, lưng và đuôi, một phần của vành đai xương chậu và các thành phần của các chi.
Khủng long chân thằn lằn là một nhóm khủng long đặc trưng bởi chiếc cổ dài, thân hình nặng nề, đuôi lớn và 4 chân to như những trụ đền thờ Hy Lạp.
Trong nhóm này, thằn lằn hộ pháp – dòng dõi mà loài mới thuộc về – là những thành viên to lớn nhất, thường nặng hàng chục tấn, có con trên 70 tấn.
Để so sánh, một con voi châu Phi – loài voi có kích thước lớn nhất ngày nay – nặng khoảng 5-7 tấn.
Các nhà khoa học chưa xác định kích thước và trọng lượng cụ thể của Qunkasaura pintiquiniestra, nhưng chắc chắn nó cũng phải cực kỳ to lớn.
Trong một hình ảnh đồ họa mà nhóm tác giả công bố, con khủng long này cao ít nhất 4 lần con người khi đứng thẳng.
Tại khu vực gần nơi loài mới được tìm thấy, một loài thằn lằn hộ pháp khác thuộc phân họ Lirainosaurinae từng lộ diện.
Nguồn: https://nld.com.vn/lo-dien-sieu-quai-thu-moi-co-the-nang-gap-10-lan-voi-196240906112702635.htm