Chi tiêu quân sự của Ba Lan vào năm 2023 tăng 75% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm nhanh nhất trên khắp châu Âu.
Sự gia tăng ngân sách quốc phòng được quan sát trên toàn cầu và tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đạt 2.440 tỷ USD vào năm 2023, trong đó tổng chi tiêu của Ba Lan là 31,6 tỷ USD, đứng thứ 14 trên toàn cầu về quy mô.
Thông tin trên được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra trong bản báo cáo mới nhất của tổ chức này về chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm qua.
SIPRI đã theo dõi chi tiêu quân sự kể từ năm 1949, và nhận thấy trong báo cáo thường niên công bố hôm 22/4 rằng, vào năm 2023 khoản chi tiêu này đã tăng lên 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ mức 2,2% của năm trước đó.
Chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng đều đặn trong 9 năm, nhưng mức tăng 6,8% vào năm 2023 là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009. Tất cả 10 quốc gia hàng đầu có ngân sách quân sự cao nhất – bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga – đều tăng chi tiêu trong năm 2023.
Tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, nhấn mạnh rằng viện trợ quân sự nước ngoài cho Ukraine đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa chi tiêu quân sự của Ukraine và Nga. Năm 2023, Moscow phân bổ 109 tỷ USD cho quân đội, tăng 24% so với năm trước.
Ukraine đứng thứ 8 trên toàn cầu về chi tiêu quân sự, tăng 51% lên 64,8 tỷ USD vào năm 2023. Điều đó có nghĩa là họ đã dành 37% GDP và gần 60% tổng chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng, SIPRI cho biết.
Mức tăng này vẫn ít hơn 41% so với Nga. Tuy nhiên, khi bổ sung viện trợ quân sự nước ngoài trị giá ít nhất 35 tỷ USD, trong đó có 25,4 tỷ USD từ Mỹ, tổng chi tiêu của Ukraine vào năm 2023 chỉ kém Nga 9%.
Các nước NATO đã chi tổng cộng 1.340 tỷ USD cho quốc phòng, chiếm 55% chi tiêu toàn cầu. Mỹ, với ngân sách quốc phòng 916 tỷ USD, đóng góp tới 68% tổng chi tiêu của NATO, mặc dù tỉ lệ này của các thành viên NATO ở châu Âu cũng tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.
Ông Lorenzo Scarazzato, nhà phân tích tại SIPRI, lưu ý rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine trong hơn 2 năm qua đã thay đổi căn bản quan điểm an ninh của các thành viên NATO ở châu Âu, dẫn đến sự gia tăng chi tiêu quốc phòng so với GDP, với mục tiêu 2% của NATO ngày càng được coi là một chuẩn mực chứ không phải là một ngưỡng cần đạt được.
Một thập kỷ trước, các nước NATO đã chính thức cam kết phân bổ 2% GDP cho quốc phòng. Vào năm 2023, 11 trong số 31 thành viên NATO đã đạt hoặc vượt ngưỡng này. Đây là kết quả cao nhất kể từ khi cam kết được đưa ra.
SIPRI cũng ghi nhận sự gia tăng chi tiêu quân sự ở Trung Đông, bao gồm cả mức tăng của Israel cho cuộc chiến ở Dải Gaza nhằm đáp trả cuộc tấn công của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái.
Ả Rập Xê-út cũng tăng chi tiêu đáng kể. Cùng với nhau, Israel và Ả Rập Xê-út đã góp phần làm tăng ngân sách quốc phòng 9% ở Trung Đông vào năm ngoái, mức tăng hàng năm lớn nhất trong một thập kỷ.
Chi tiêu quân sự cũng tăng đáng kể ở Trung Mỹ và Caribe, do các hành động của các lực lượng vũ trang chống lại tội phạm có tổ chức.
Minh Đức (Theo REMIX, Al Jazeera, SIPRI)