Lực đẩy từ Thành phố phía Tây đang dần hình thành
Khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội đang nổi lên là khu vực ghi nhận sức phát triển mạnh mẽ với những đại đô thị được quy hoạch bài bản, hệ thống dịch vụ và hạ tầng đồng bộ. Do đó, trong đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hà Nội định hướng xây dựng thành phố phía Tây với khu đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học, giáo dục và kỹ thuật công nghệ cao.
Theo đó, thành phố phía Tây có diện tích khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Thành phố phía Tây được hình thành trên cơ sở các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai. Trung tâm của khu vực này kết nối Hoà Lạc và Xuân Mai qua Quốc lộ 21. Định hướng thành phố phía Tây có 16 phường và 8 xã. Đây là trung tâm khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo của Thủ đô trong tương lai.
Thành phố phía Tây được chia làm 3 khu vực cụ thể gồm: Trung tâm hành chính – chính trị – khoa học công nghệ (186ha), Trung tâm văn hoá – thể thao – vui chơi giải trí (74ha), Trung tâm giáo dục đào tạo – văn phòng thương mại dịch vụ (100ha). Trong đó, khu vực Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Khu Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm khởi nghiệp.
Cao tốc thông suốt nối trung tâm Hà Nội – Hòa Bình
Ngày 10/10/2023, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình với tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng đã chính thức được khởi công xây dựng. Với tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng, dự án có chiều dài 6,7km. Sau khi dự án hoàn thành sẽ khớp nối trung tâm Hà Nội – Hòa Lạc – Hòa Bình.
Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thiện và được đưa vào sử dụng năm 2026, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và giải quyết nhiều trở ngại trong giao thông giữa trung tâm Hà Nội và khu vực phía Tây, hoàn chỉnh giao thông, phát triển khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây.
Ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chia sẻ trong lễ khởi công, việc triển khai dự án trên rất cấp thiết và quan trọng, nhằm thực hiện các quy hoạch kết nối giao thông đường bộ của quốc gia và của thành phố. Công trình sau khi hoàn thiện sẽ tạo động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây; hình thành điều kiện đáp ứng hạ tầng kỹ thuật giao thông thành phố phía Tây trong tương lai.
Thị trường bất động sản Hòa Bình bứt tốc
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong 5 năm tới sự phát triển của thị trường bất động sản sẽ lấy phía Tây là trọng điểm sau giai đoạn sốt nóng khu vực phía Đông giai đoạn 2020 – 2023. Khi thành phố phía Tây hình thành sẽ tạo bước ngoặt tăng trưởng cho khu Tây Hà Nội, đặc biệt khu vực Hòa Bình vốn ôm trọn khu Tây Hà Nội.
“Khi Hòa Lạc là trung tâm của thành phố mới, Hòa Bình cũng sẽ được hưởng lợi lớn khi nằm cận kề, đặc biệt là khi Đại lộ Thăng Long thông tuyến với cao tốc Hòa Bình – Hà Nội” – ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
Quan sát thực tế cho thấy, Hoà Bình sở hữu vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là vị trí đặc biệt quan trọng, là tâm điểm giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc. Với vị trí đắc địa này, Hoà Bình trở thành một địa phương trung chuyển và là cầu nối cho mạch luân chuyển hàng hoá giữa các tỉnh lân cận không bị đứt gãy.
Lợi thế giáp ranh với Thành phố Hà Nội cũng mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản Hoà Bình phát triển mạnh mẽ. Giá đất tại Hà Nội tăng cao cũng như quỹ đất ngày càng thu hẹp đã khiến Hoà Bình được hưởng lợi lớn. Kéo theo đó là sự bật dậy mạnh mẽ của các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở.
Đánh giá về thị trường Hòa Bình, ông Vũ Cương Quyết – Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết: “Bất động sản Hòa Bình có động lực tăng trưởng mạnh mẽ khi Hòa Lạc trở thành trung tâm phát triển của thành phố phía Tây. Với quỹ đất rộng, giá tốt và lợi thế về nghỉ dưỡng các đô thị ở Hòa Bình sẽ là nơi đón làn sóng tìm kiếm nhà ở chất lượng cao từ các chuyên gia nước ngoài, tầng lớp trí làm việc ở các khu công nghệ cao Hòa Lạc”.
Theo ông Quyết, Hoà Bình từng là 1 trong 4 tỉnh có lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh nhất khu vực miền Bắc trong năm 2021. “Khi cao tốc Đại Lộ Thăng Long thông tuyến Hà Nội – Hòa Bình sẽ là lực đẩy quan trọng để bất động sản dọc tuyến này tiếp tục tăng giá. Đây cũng sẽ là yếu tố hút nhà đầu tư dồn về thị trường này”, ông Quyết cho biết.
Thực tế cho thấy, Hòa Bình đang hội tụ những lợi thế đặc trưng của một “vùng trũng” bất động sản khi giá còn khá mềm so với những địa phương khác trong khu vực. Đây cũng là lý do thời gian qua các doanh nghiệp liên tiếp đầu tư mạnh vào Hòa Bình. Trong đó, có những dự có quy mô lớn vừa gia nhập thị trường như Casa Del Rio của Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh. Với tổng diện tích 142ha, Casa Del Rio được chủ đầu tư tham vọng xây dựng thành châu Âu thu nhỏ giữa không gian kỳ vỹ của núi rừng Tây Bắc, nơi kiến tạo cộng đồng dân cư phồn vinh và thịnh vượng.
Ngoài ra, Sun Group cũng đang cấp tập triển khai ít nhất 3 dự án lớn tại Hòa Bình. Các ông lớn như Geleximco, T&T, Flamingo, Ecopark… cũng không bỏ lỡ “thời cuộc” khi liên tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường này.
Đánh giá về triển vọng bất động sản Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết Hòa Bình là tỉnh hiếm hoi với rất nhiều tiềm năng, có sức hút lớn khiến giá đất tăng mạnh nhưng giá bất động sản vẫn được đánh giá là một “vùng trũng” – tức là giá đầu tư vẫn đang ở mức cực kì hợp lý, rất tiềm năng cho các nhà đầu tư nhanh tay xuống tiền đầu tư ở thời điểm này. Nhất là khi thị trường này trong thời gian qua lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều ông lớn bất động sản và nhà đầu tư Hà Nội.