Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội vừa công bố danh sách 84 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích đất vi phạm lên tới hàng trăm nghìn m2.
Danh sách các trường hợp vi phạm xuất hiện tên tuổi của nhiều doanh nghiệp lớn như Hoàng Thành – Capital Land, bất động sản An Phát, Xuân Mai, Booyoung Việt Nam, xây lắp Constrexim, Pacific Thăng Long…
Theo danh sách vi phạm trên, các doanh nghiệp có diện tích đất vi phạm phổ biến từ thấp nhất 2.000 – 3.000m2 đến nhiều nhất lên tới hàng trăm nghìn m2 như Công ty TNHH VNT với dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm được chỉ ra, chủ yếu là do đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất.
Một số trường hợp do chưa giải phóng mặt bằng hoặc tự ý chuyển quyền sử dụng đất khi chưa được cấp phép, chuyển nhượng không đúng quy định tại Luật Đất đai.
Phần lớn các trường hợp vi phạm đều được kiến nghị xử lý gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Một số trường hợp đề nghị xử lý bãi bỏ quyết định giao đất hoặc thu hồi đất.
Theo tìm hiểu của Lao Động ngày 29.1, trong các trường hợp vi phạm, Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội gây chú ý với dự án mở rộng mặt bằng sản xuất trên lô đất 7.662m2 tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, do dự án có kế hoạch triển khai từ cách đây 13 năm.
Tài liệu mà Lao Động có được cho thấy trong một văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vào năm 2010, Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội có hợp đồng góp vốn theo hình thức tài sản đồng kiểm soát với Công ty Cổ phần học liệu giáo dục tại Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, Công ty Cổ phần sách thiết bị giáo dục Miền Bắc và Công ty Cổ phần sách giáo dục tại TP Hà Nội để cùng thực hiện Dự án xin cấp đất mở rộng mặt bằng sản xuất tại khu đất 7.662m2 nói trên.
Theo đó, Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội là đơn vị đại diện thực hiện các thủ tục và theo dõi chi phí của dự án. Giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất do Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội đứng tên.
Các bên góp vốn sẽ được sử dụng sản phẩm là một phần diện tích của khu đất tương ứng với tỉ lệ góp vốn so với tổng mức vốn đầu tư của dự án. Tổng vốn góp dự kiến là 7,662 tỉ đồng.
Sau 3 năm có hợp đồng góp vốn nói trên, vào tháng 6.2013, 5 công ty thống nhất tiếp tục thực hiện dự án và cùng nhau đóng góp kinh phí để thực hiện các giai đoạn còn lại của dự án.
Tuy nhiên theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, đến thời điểm cuối năm 2023, khu đất trên thuộc diện không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất.
Vào tháng 5.2020, TP Hà Nội có quyết định gia hạn cho Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội với thời hạn gia hạn sử dụng lô đất 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án.
“Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng” – quyết định của TP Hà Nội nêu.