Không ai chắc chắn mục tiêu ban đầu của cô là gì, nhưng tới màn cùng với người yêu hiện tại tố qua tố lại các khuyết điểm của nhau, cộng đồng mạng đã quá ngán ngẩm.
Ban đầu cô ca sĩ kể về cuộc tình cũ và bóc phốt một số nghệ sĩ khác, nhưng không đưa ra chứng cứ. Sự việc này gây nhiều tranh cãi, ảnh hưởng đến người khác, không có lợi cho ai và khiến khán giả mất thời gian, tâm trí thì chìm trong những điều tiêu cực.
Chưa ép phê, cô bắt đầu livestream với người yêu hiện tại, phơi bày hết các loại cảm xúc chán chường, chê bai mà mình có.
Và kết quả là cô phải nhận giấy triệu tập của thanh tra thành phố để làm rõ những thứ chưa thấy chứng cứ mà cô đã đề cập. Ngay cả việc này cô cũng đưa lên livestream để “tạm biệt khán giả”, thậm chí còn nói thêm “chuẩn bị đi một năm”. Thật là đỉnh cao nghiện livestream!
Ông bà xưa vẫn khuyên hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Nhưng ngày nay với nhu cầu sản xuất những sản phẩm thông tin và xuất bản dễ dàng thông qua các tài khoản mạng xã hội cá nhân để nhận về những lượt view, share, like, dường như nhiều người quên đi lời khuyên đó.
Có một câu chuyện về triết gia Socrates ở Hy Lạp: Khi người hàng xóm muốn kể cho ông nghe một chuyện, ông hỏi rằng trước khi kể thì hãy trả lời ông ba câu hỏi: Chuyện đó có thật không? Chuyện đó có phải là chuyện tốt không? Và chuyện đó có giúp ích cho ai không?
Cứ cho mục tiêu xấu nhất là những người như cô ca sĩ muốn hâm nóng tên tuổi hay đánh bóng hình ảnh của mình bằng cách bộc lộ trên chốn công cộng, thì cuối cùng hình ảnh cô đang như thế nào trong mắt số đông? Có tích cực hơn không, có làm cho cô hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn không, hay là thêm muộn phiền, khóc lóc, thậm chí là thảm hại trong hàng ngàn comment phản đối?
Chia sẻ tâm tư, tình cảm hay những việc cá nhân khác lên mạng xã hội chắc chắn thu hút sự chú ý của người khác, ít nhất là những người xung quanh bạn. Nếu câu chuyện đó gây tranh cãi, quá hy hữu, quá bi thảm, quá bức xúc… nói chung là phải làm quá lên thì sẽ thu hút càng nhiều người hơn.
Nhưng chuyện đó sẽ khiến bạn nổi tiếng, có tiền hay bị thanh tra mời làm việc thì không chắc được.
Người nghe cũng đủ thông minh, có những sự việc làm họ xúc động thật sự hầu hết đều là những câu chuyện cho thấy thành tâm của người livestream muốn tìm ở cộng đồng sự sẻ chia để vượt qua khó khăn, hay cùng vui với thành tựu, hỏi bí quyết học, làm và sống…
Tuần trước, một tài khoản tên R.T đăng tải một loạt 50 video kể về việc cô đã bị lừa như thế nào trong suốt quá trình làm quen, yêu đương, kết hôn và ly hôn.
Câu chuyện này được lan truyền mạnh trên TikTok. Nhiều video lên đến vài triệu lượt xem và mang về cho cô hơn một trăm nghìn USD.
Câu chuyện của R. có thể xem là một tình huống “được”: bản thân cô được nổi tiếng, có tiền, khán giả thì được hưởng thụ cách kể chuyện cuốn hút của cô.
Ngoài ra, câu chuyện này không tạo cảm giác trực tiếp tổn hại đến người khác, cũng không gây nên công phẫn của dư luận.
Những câu chuyện có ích cho người nghe vẫn luôn cần và có ích cho khán giả. Còn nếu đưa khán giả vào chuyện không tốt, chẳng giúp ích gì cho ai và đặc biệt là không thật thì dễ… phản cảm lắm.
Ngừng nói những điều không tốt một thời gian, ta mới có thể nói điều tốt đẹp, lời nói của ta cũng có ý nghĩa, có trọng lượng hơn.
Việc chia sẻ tâm tư tình cảm và những việc đau lòng, bức xúc là một nhu cầu của con người. Nhưng hãy cân nhắc khi đưa lên mạng xã hội, hãy phân biệt đâu là không gian riêng tư, điều gì có thể nói với công chúng.
Hãy uốn lưỡi bảy lần, rồi im lặng. Hãy trao đi những điều tích cực, vì người tặng hoa thì tay sẽ được thơm.
Bạn có đặt ra nguyên tắc nào cho bản thân khi sử dụng mạng xã hội? Mời bạn chia sẻ bí quyết, câu chuyện của mình hoặc người thân quen để lan tỏa lối sống tích cực, trở thành người dùng khôn ngoan trên môi trường Internet. Email xin gửi về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.