Tối 26/8, liveshow đánh dấu 30 năm ca hát của NSƯT Đăng Dương diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô Hà Nội.
Bất chấp thời tiết mưa lớn trước giờ diễn, chương trình vẫn ghi nhận lượng khán giả tham dự đông đảo. Ngoài những khán giả trung niên, cao tuổi, đêm nhạc còn có sự xuất hiện của nhiều người trẻ.
Đây cũng là điều Đăng Dương khao khát khi thực hiện liveshow Tổ quốc gọi tên mình. Anh muốn truyền lửa tình yêu nhạc cách mạng đến cả với những thế hệ nghệ sĩ, khán giả trẻ. Vì vậy, đêm nhạc mang một không gian tươi mới, trẻ trung nhưng vẫn sang trọng.
Chương trình được bố cục chặt chẽ trong 3 chương: Tổ quốc gọi tên mình, Đất nước, Đường chúng ta đi. Trong 3 tiếng đồng hồ, nam ca sĩ mang tới nhiều nhạc phẩm cách mạng nhưng được làm mới, kết hợp với các khách mời: Đào Tố Loan, OPlus, Võ Hạ Trâm.
Nam ca sĩ đùa rằng anh cảm giác như… trẻ ra 5 tuổi khi kết hợp với những nghệ sĩ “đàn em”.
Đăng Dương hòa giọng với Đào Tố Loan trong ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa – Áo mùa đông, gợi lại một thuở trường kỳ kháng chiến. Ca sĩ kết hợp cùng nhóm OPlus trong Tình đồng chí – Cây đàn guitar của Đại đội ba, Hành khúc ngày và đêm – Bác đang cùng chúng cháu hành quân…
Bên cạnh đó, anh còn song ca cùng Võ Hạ Trâm trong Tình ca – Tình em. Đăng Dương nói, Võ Hạ Trâm là giọng hát anh rất yêu thích và ngưỡng mộ.
Các khách mời trong liveshow của Đăng Dương cũng đã có những màn thể hiện riêng.
Đào Tố Loan xử lý đầy tinh tế khi hát Mẹ yêu con. Võ Hạ Trâm có sự chuyển giọng từ ngọt ngào sang bi tráng trong Trăng sáng đôi miền. Đặc biệt, OPlus mang hơi thở mới khi trình diễn ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng.
Ngoài các bản kết hợp cùng nghệ sĩ khách mời, Đăng Dương còn thể hiện những ca khúc khoe chất giọng cao, đanh thép nhưng cũng rất truyền cảm, nay lại có những bước chuyển để phù hợp thời đại mới và đối tượng khán giả trẻ.
Hát những ca khúc sở trường nhưng ca sĩ vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ. Suốt thời gian qua, anh dồn sức tập luyện. Đêm trước liveshow, anh vẫn tập tới 2h sáng.
Một trong những điểm nhấn của đêm diễn là sự xuất hiện của tiếng đàn bầu với màn độc tố Dáng đứng Bến Tre gây bất ngờ của Đăng Dương.
NSND Thanh Tâm – giảng viên bộ môn đàn bầu Nhạc viện Việt Nam và là cô giáo Đăng Dương – cho biết, hơn 10 năm Đăng Dương chăm chỉ theo học bộ môn đàn bầu trước khi chuyển qua thanh nhạc. Trình độ của anh ở mức solist (độc tấu) chứ không vừa.
Tiếng đàn bầu không chỉ khiến liveshow của Đăng Dương thêm độc đáo mà còn thể hiện sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, khẳng định tình yêu chung thủy suốt 30 năm sự nghiệp của anh đối với âm nhạc cách mạng đã được khởi nguồn từ tiếng đàn bầu Việt Nam. Như nam ca sĩ nói, đó là tình yêu “ăn vào máu, vào tim”.
Sau mỗi phần trình diễn, Đăng Dương lại nói: “Cảm ơn bản phối quá hay của nhạc sĩ Dương Cầm”. Anh cho biết, suốt thời gian tập luyện, anh đã vô cùng hạnh phúc vì được chìm đắm trong những giai điệu do Giám đốc âm nhạc Dương Cầm thực hiện.
Khán giả cũng không ngừng xuýt xoa khi các bản phối mang màu sắc mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt riêng mà Đăng Dương và các nghệ sĩ khách mời thể hiện.
Suốt chương trình, nhiều khán giả không phân biệt tuổi tác đã hào hứng hát theo các nghệ sĩ. Mỗi tiết mục kết thúc đều kèm theo những tràng vỗ tay vang dội.
Đăng Dương nhận được sự hậu thuẫn to lớn từ người hâm mộ, ê-kíp và người thân, trong đó có bố mẹ vợ đã hơn 80 tuổi, đi từ Yên Bái xuống để ủng hộ anh. Tình cảm to lớn ấy khiến nam ca sĩ nghẹn ngào rơi nước mắt, khẳng định: “Tinh thần nhạc đỏ trường tồn, không thể nào mất được”.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: “Liveshow đẳng cấp, chạm tới cảm xúc của người xem. Tôi nghĩ với những chương trình như thế này, nền âm nhạc đại chúng của chúng ta sẽ có sự phát triển rực rỡ”.
Anh cho biết thêm, Giám đốc âm nhạc – nhạc sĩ Dương Cầm đã khai thác rất tốt vai trò của dàn nhạc giao hưởng theo xu hướng của các nhạc sĩ trẻ là pop – giao hưởng, tạo nên sự sang trọng, mới mẻ, tiệm cận thế giới cho các ca khúc cách mạng Việt Nam. Bản thân Đăng Dương tạo sự khác biệt trong cách hát ngắt nghỉ.
“Không thể coi đây là làm mới các ca khúc cách mạng mà là nâng tầm ca khúc cách mạng”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định.
Đăng Dương (SN 1974) là ca sĩ chuyên dòng nhạc thính phòng và nhạc đỏ.
Năm 1998, trong Liên hoan Tiếng hát sinh viên, anh cùng Trọng Tấn, Việt Hoàn đã ra mắt khán giả với bài Đường chúng ta đi. Từ đó, bộ ba Đăng Dương – Trọng Tấn – Việt Hoàn nhanh chóng nhận được sự yêu mến của công chúng yêu nhạc.
Trong khi nhiều đồng nghiệp lần lượt có sự kết hợp với những ca sĩ dòng nhạc đương đại, Đăng Dương vẫn trung thành với nhạc cổ điển và cách mạng suốt 30 năm qua.
Về đời tư, Đăng Dương có cuộc hôn nhân hạnh phúc bên bà xã Kim Xuyến – từng là ca sĩ nhạc nhẹ của đoàn Quân khu 2.