Rồng Việt có nét đặc trưng riêng
Trong số 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất do con người tưởng tượng ra mang nhiều năng lực siêu nhiên. Vì không có một hình mẫu cụ thể nên người dân và nghệ nhân mỗi nơi lại trình làng một linh vật rồng khác nhau.
Có nơi linh vật rồng được cho là giống giun hơn, có nơi bị cho rằng làm rồng lai Trung Quốc. Rồng ở Quảng Ngãi bị chê “xấu tệ” vì “không giống rồng”. Gần đây nhất, hình ảnh rồng ở Nghệ An khiến nhiều người phì cười vì có vẻ ngoài trông như đang “giận dỗi”.
Hình dáng kỳ dị, không theo một khuôn mẫu nào của các linh vật rồng gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người đặt ra câu hỏi, rốt cuộc rồng Việt có những đặc trưng gì?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu – chuyên gia khảo cổ Nguyễn Ngọc Chất cho hay, rồng là linh vật có trong văn hóa của Việt Nam và một số nước cùng khu vực.
Tuy nhiên, rồng mỗi nước lại có những đặc điểm riêng. Rồng của Việt Nam có nét thân thiện, gần gũi chứ không dữ dằn như rồng của Trung Quốc hay Nhật Bản.
“Rồng Trung Quốc cũng như rồng Nhật Bản đầu bao giờ cũng dài hơn, răng nanh nhọn hơn, chân trước cầm ngọc. Rồng của Việt Nam đầu ngắn hơn, miệng ngậm ngọc. Thân hình, vây, bờm, sừng… của rồng Việt Nam mềm mại, uyển chuyển hơn”, ông Nguyễn Ngọc Chất chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong văn hóa Việt, rồng gắn liền với đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Từ xưa người Việt có truyền thuyết dân gian Con rồng cháu tiên…
Vùng đất Việt Nam cũng mang hình dáng con rồng. Tên gọi các điểm chốt trên bản đồ từ biên giới phía Bắc đến vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đều có yếu tố của rồng (Hạ Long, Bạch Long Vĩ, Hàm Rồng…).
Người dân Việt từ xưa coi rồng là linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng như một vị thần có thể đem đến mùa màng bội thu. Sau này, rồng được vương quyền hóa, thần hóa nên đại diện cho vương quyền và thần quyền. Trong Phật giáo, con rồng cũng có vai trò quan trọng nên xuất hiện nhiều ở các chùa chiền, đền miếu.
Rồng Việt Nam còn có đặc điểm là biến đổi theo tư tưởng chủ đạo của từng triều đại.
Ông Nguyễn Ngọc Chất cho hay: Rồng của mỗi triều đại có nét riêng. Rồng thời Lý chịu ảnh hưởng từ Phật giáo nên nhẹ nhàng, mỏng manh như đang uốn lượn trong mây.
Thời Trần với tinh thần hào khí Đông A, rồng mạnh mẽ hơn, thân hình to, khỏe khoắn hơn. Thời Lê chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên rồng có những chuẩn mực nhất định. Rồng thời Mạc khỏe khoắn hồi cố lại yếu tố của thời Lê và thời Trần…
Thời Lê Trung Hưng, văn hóa dân gian phát triển mạnh nên con rồng còn gắn với nhiều sinh vật khác. Đến thời Nguyễn, rồng quay lại các yếu tố như thời Lê… Nhìn chung, rồng Việt Nam qua mỗi thời đại có sự biến hóa nhưng không dữ dằn mà gần gũi, thân quen.
“Rồng mỗi thời kỳ có nét khác nhau nhưng vẫn xuyên suốt một tinh thần đặc trưng của văn hóa Việt, thể hiện sự quyền uy cao quý, tượng trưng cho sức mạnh, sự sinh sôi nảy nở, hài hòa viên mãn (rồng ngậm ngọc). Người Việt luôn tin rằng có rồng là có tất cả”, vị chuyên gia này nói.
Cần có sự chuẩn hóa
Mấy năm gần đây, dịp Tết Nguyên đán, người dân nhiều vùng có thói quen làm linh vật theo con giáp của năm đó. Tuy nhiên, nhiều linh vật sau khi trình làng thường gây tranh cãi khi hổ giống heo năm Nhâm Dần, mèo giống chuột năm Quý Mão… Trước thực trạng “loạn” linh vật, ông Nguyễn Ngọc Chất cho rằng, cần phải có sự chuẩn hóa.
“Trước đây, nhiều đơn vị, bảo tàng đã tổ chức những buổi trưng bày, giới thiệu các linh vật mang tính chất thuần Việt. Những buổi trưng bày ấy giúp công chúng hiểu biết nhiều hơn về các linh vật thuần Việt, tránh việc trưng bày, tung hô các linh vật ngoại lai.
Để các linh vật trong các dịp Tết vừa đẹp, vừa phù hợp với văn hóa Việt và truyền tải được các thông điệp về khát vọng, ước nguyện tốt đẹp trong năm mới cần có sự tham mưu từ chính quyền và các ban ngành chuyên môn. Điều này tôi nghĩ không khó vì các tư liệu lịch sử, văn hóa có rất nhiều và đầy đủ”, ông Chất nhấn mạnh.