Hệ thống truyền thanh cơ sở đóng vai trò quan trọng, là kênh cung cấp các thông tin chính thống, thiết thực cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tại huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), trước và trong thời gian ứng phó với cơn bão số 3, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy, UBND, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, Đài Phát thanh huyện đã tăng cường thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh để nhân dân kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác chung tay phòng, chống bão.
Bám sát vào diễn biến tình hình bão, cũng như công điện chỉ đạo của các cấp, Đài phát thanh huyện Thanh Miện đã chủ động xây dựng các chương trình thời sự, nhất là thực hiện các bản tin đột xuất phát trên sóng của đài.
Ông Trần Hữu Trình, Trưởng Đài phát thanh huyện Thanh Miện cho biết, do thời tiết diễn biến vô cùng phức tạp nên không kể khung giờ cố định nào, Đài phát thanh huyện liên tục phát sóng các chương trình đột xuất với tần suất dày đặc trong ngày (cứ 30 phút phát lại một lần) nhằm cập nhật nhanh chóng, chính xác thông tin về tình hình bão số 3, dự báo thời tiết, cảnh báo về thiên tai, tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà phải chủ động ứng phó, bảo vệ tài sản của gia đình cũng như đảm bảo an toàn trong mưa bão.
Tuy nhiên, bão số 3 – cơn bão mạnh nhất trong hơn 30 năm qua đã gây thiệt hại vô cùng lớn đối với huyện Thanh Miện. Theo thống kê sơ bộ đã có một người chết do bão (xã Cao Thắng); hơn 800 trụ sở, cơ quan, trường học, nhà dân bị tốc mái; 125 thiết chế văn hóa, công trình công cộng bị hư hại nghiêm trọng; hơn 3.000 ha lúa bị đổ, rau màu bị thiệt hại, vùng nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất trắng; hơn 95.000 cây xanh, hơn 200 cột điện bị gãy, đổ… Tổng thiệt hại ước tính lên tới hơn 500 tỷ đồng.
Đối với hệ thống truyền thanh cơ sở, ảnh hưởng của bão số 3 cũng đã khiến cho hơn 30km đường dây bị đứt; hàng trăm loa, biến áp loa, cột loa bị hư hỏng. Một số đơn vị như Đài truyền thanh xã Hồng Phong, Cao Thắng, Tứ Cường, Thanh Tùng bị “tê liệt” hoàn toàn, không thể hoạt động sau bão số 3. Các đơn vị còn lại, phải mất từ 2 – 5 ngày sau bão, lũ mới khắc phục và đi vào hoạt động ổn định trở lại.
Linh hoạt các hình thức tuyên truyền
Khi bão số 3 trực tiếp vào tỉnh Hải Dương, toàn bộ người dân trong huyện Thanh Miện sống chung cảnh mất điện, mất thông tin liên lạc. Không chỉ công tác chỉ đạo ứng phó với bão của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã thị trấn cùng các lực lượng chức năng mà ngay cả công tác tuyên truyền của Đài phát thanh 2 cấp trong huyện cũng chính vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn.
Sau bão, trong khi chưa kịp triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại bởi bão số 3 thì huyện Thanh Miện phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt do mưa lớn liên tục kéo dài và mực nước trên các sông trục Bắc Hưng Hải và sông Luộc liên tục tăng cao, đe dọa đến sự an toàn của hơn 48km đê và tính mạng, tài sản của nhân dân trong toàn huyện, nhất là đối với các xã có đê trong hệ thống Bắc Hưng Hải như Ngô Quyền, Tân Trào, Đoàn Kết, Lê Hồng, Tứ Cường, Cao Thắng, Ngũ Hùng, Chi Lăng Bắc, Chi Lăng Nam và Hồng Phong.
Tại thời điểm đó, một số xã, thị trấn vẫn chưa được cấp điện trở lại, trong khi hệ thống cơ sở vật chất của Đài truyền thanh như dây dẫn, loa, máy biến áp, tăng âm đã bị hư hỏng nặng, do mưa tiếp tục kéo dài nên thợ không sửa chữa ngay được.
Để kịp thời thông tin đến người dân về tình hình mưa lũ, cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, huyện Thanh Miện đã linh hoạt trong sử dụng kết hợp các biện pháp, hình thức tuyên truyền.
Bà An Thị Lâm, Trưởng Đài truyền thanh xã Cao Thắng cho biết, do ảnh hưởng của bão lũ, trên địa bàn xã Cao Thắng xuất hiện các điểm xung yếu nặng, nguy cơ tràn rất cao tại các thôn như Văn Khê, Phạm Khê, Bằng Bộ…
“Trong khi hệ thống loa truyền thanh bị hư hỏng chưa kịp sửa chữa, chúng tôi đã khắc phục bằng cách chủ động sử dụng loa dự phòng chạy bình acquy, mượn thêm loa kéo, loa tay, dây điện của các hộ dân để thực hiện tuyên truyền, làm sao để bà con không bị “mù thông tin”…”, Trưởng Đài truyền thanh xã Cao Thắng nói.
Chị Trần Thị Yến, nhân viên Đài truyền thanh xã Hồng Phong chia sẻ, do ảnh hưởng của bão lụt, toàn xã có 8 km đường dây, 7 loa, 9 cột loa bị hư hỏng… Trước diễn biến tình hình trên địa bàn xã như vậy, song với quyết tâm cao nhất, cán bộ đài truyền thanh xã vẫn bám địa bàn các thôn, trực tiếp xuống các khu vực xung yếu để nắm tình hình, viết tin, đọc, thu trên thiết bị điện thoại di động.
“Ngoài ra chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của Đài phát thanh huyện trong việc xử lý nội dung, thu dựng các file tuyên truyền cảnh báo lũ. Chúng tôi đồng thời phối hợp với Đoàn thanh niên xã, các thôn để thực hiện tuyên truyền lưu động. Từ sáng sớm cho tới khuya, thậm chí chúng tôi làm việc xuyên đêm cùng các lực lượng. Cứ như vậy dòng dã 3 ngày liền ăn mì tôm để cùng chống lũ…”, chị Trần Thị Yến cho biết thêm.
Nắm bắt thông tin kịp thời
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bão lũ là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong tình hình thiên tai phức tạp. Trong đó, tuyên truyền bằng loa lưu động trực tiếp đến các thôn, khu dân cư đã giúp cho người dân nắm bắt được thông tin một cách chính xác, kịp thời.
Vào các buổi trong ngày, chỉ với những thùng loa “di động”, các đoàn viên, thanh niên của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Miện đã sử dụng xe máy đi làm trở thành phương tiện tuyên truyền hữu hiệu.
Anh Vũ Thành Khương, Bí thư Đoàn xã Tân Trào cho biết, cách tuyên truyền lưu động này rất phù hợp trong điều kiện thiên tai diễn biến phức tạp, tạo sự chú ý cho nhiều người dân, người đi đường. Với thông tin ngắn gọn và chính xác đã giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng và tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bão, lũ của chính quyền các cấp…
Cũng chính bởi việc triển khai linh hoạt, đa dạng, hiệu quả các hình thức tuyên truyền trong điệu kiện mất điện, mất liên lạc nên người dân đã nắm bắt thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình bão lũ. Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền trong việc di chuyển đến vùng an toàn, bảo vệ tài sản của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Vui ở thôn Phù Tải (xã Thanh Giang) chia sẻ, những ngày nước lũ dâng cao, có một số thông tin đồn thổi đê xã này, bối xã kia bị tràn, ngập, vỡ… Song nhờ công tác tuyên truyền trên sóng phát thanh, tuyên truyền lưu động từ các loa kéo nên người dân chúng tôi đã kịp thời nắm bắt, chọn lọc thông tin, từ đó không hoang mang, lo lắng trước trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, vì vậy không có tình trạng đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ…
Nguồn: https://mic.gov.vn/linh-hoat-trong-thong-tin-ve-phong-chong-bao-lut-o-hai-duong-197240919223955265.htm