Ông Hoàng Ngọc Sỹ – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị cho rằng việc hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao chính là động lực, chất xúc tác góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội nhưng với kinh nghiệm thực tế tại địa phương, việc “đặt hàng” tác phẩm không phải là cách thức duy nhất hiệu quả mà có thể thực hiện việc mua hàng để lựa chọn được những tác phẩm tốt, chất lượng cao, thực sự “đáng đồng tiền bát gạo”.
Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hội viên
Trong cuộc trò chuyện, ông Hoàng Ngọc Sỹ chia sẻ rằng, nguồn kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với những hội viên, nhà báo trên địa bàn tỉnh thực sự đã có tác dụng rất lớn. Không chỉ đối với việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí mà còn giúp đẩy mạnh phong trào hoạt động Hội, tạo sự gắn kết hội viên với tổ chức Hội, nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp…
Khẳng định điều ấy là bởi, ở Hội Nhà báo Quảng Trị, nguồn kinh phí này được đầu tư, đặt hàng cho các nhà báo tìm kiếm, phát hiện sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng tốt. Hiệu quả tuyên truyền được nâng lên; tạo ra một phong trào thi đua lao động sáng tạo trong các Chi hội nhà báo; hội viên phấn khởi, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động do Hội Nhà báo đề ra.
“Có thể nói nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao là nguồn động lực, là chất xúc tác góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo trong thời kỳ qua” – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị khẳng định.
Thật vậy, trong 5 năm từ 2016 – 2020, Hội Nhà báo Quảng Trị đã triển khai quỹ hỗ trợ đến từng Chi hội, đến từng hội viên nhà báo và đã tiến hành thẩm định, nghiệm thu các tác phẩm báo chí chất lượng cao gửi về Hội Nhà báo Việt Nam. Việc đầu tư đã tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hội viên. Từ các tác phẩm báo chí chất lượng cao, Hội đã lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất gửi tham dự Giải Báo chí Quốc gia và Giải báo chí chuyên ngành ở Trung ương.
Cũng chính tinh thần “cạnh tranh ấy” mà đối với các hội viên, nguồn kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao thực sự trở thành nguồn động viên, ghi nhận đối với hoạt động báo chí, tinh thần lao động sáng tạo của những người làm báo; thu hút được nhiều cơ quan báo chí tham gia, kể cả các phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, các báo ngành, cơ quan báo chí các tỉnh thành thường trú trên địa bàn tỉnh.
Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ nhấn mạnh: “Các tác phẩm báo chí chất lượng cao của tỉnh Quảng Trị tham gia Giải Báo chí Quốc gia và các Giải báo chí chuyên ngành ở Trung ương đều đoạt giải cao và đã khẳng định được vị thế của mình. Tên tuổi của nhiều nhà báo Quảng Trị đã trở nên quen thuộc, được đồng nghiệp và người đọc báo, người xem, người nghe đài trong tỉnh, trong nước biết đến. Điều quan trọng hơn là đã tạo ra một phong trào thi đua lao động sáng tạo báo chí sôi nổi trong toàn thể hội viên nhà báo, cộng tác viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền của các loại hình báo chí trên địa bàn tỉnh”.
Khi việc “đặt hàng” chưa đạt chất lượng
Về hình thức hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhà báo Ngọc Sỹ cho biết: Rút kinh nghiệm của những năm trước, Hội Nhà báo Quảng Trị đã vận dụng một cách linh hoạt đa dạng trong việc hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho hội viên. Vì việc hợp đồng đặt hàng cho hội viên không phải là hình thức duy nhất có hiệu quả. Bởi lẽ có những hội viên được đặt hàng nhưng sản phẩm làm ra chất lượng không cao.
Vì vậy, cùng với việc đặt hàng tác phẩm, Hội Nhà báo tỉnh đã kết hợp với hình thức mua hàng, tức là thẩm định, đánh giá, khen thưởng những tác phẩm xuất sắc có hiệu quả xã hội cao được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó hỗ trợ thêm để tác giả đầu tư chiều sâu cho tác phẩm thật sự có chất lượng tốt. Hình thức này thể hiện tập trung bằng Giải Báo chí Quảng Trị hằng năm.
Nhắc đến Giải thưởng Báo chí Quảng Trị, nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ tự hào điểm lại hàng loạt các tác phẩm được giải cao mà theo ông, đó đều là những tác phẩm chất lượng mà Hội đồng thẩm định cho rằng rất xứng đáng được hỗ trợ. Từ năm 2016 đến nay, các tác phẩm báo chí chất lượng cao được tuyển chọn tham gia Giải Báo chí của tỉnh và Giải Báo chí Quốc gia đều đoạt giải cao ở tất cả các loại hình báo chí (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử). Gần 100 tác phẩm xuất sắc của các tác giả, nhóm tác giả tham gia Giải Báo chí tỉnh Quảng Trị đã được trao thưởng hằng năm.
Thêm vào đó, Hội Nhà báo tỉnh cũng đã chọn những tác phẩm tiêu biểu trong số đó để tham dự Giải Báo chí Quốc gia và đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2016 đến nay đã có 5 tác phẩm báo chí của Hội Nhà báo Quảng Trị gửi dự thi đoạt Giải Báo chí Quốc gia.
Đó là các tác phẩm: “Những vấn đề đặt ra trong việc tạo sinh kế cho người dân vùng biển” của nhóm tác giả Chi hội Nhà báo Báo Quảng Trị đạt giải C; tác phẩm: “Dân chấm điểm chính quyền” của nhóm tác giả Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Trị đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2016. Tác phẩm “Người mẹ cuối cùng” thể loại phim tài liệu, Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Trị đoạt giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Tác phẩm “Luật ngầm ở Cửa khẩu La Lay”, Báo VietNamNet thường trú tại Quảng Trị đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2019. Tác phẩm “Đại dự án tâm linh”, Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Trị đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2020.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Quảng trị nhấn mạnh: “Việc “mua hàng” thông qua hình thức chọn lọc từ Giải Báo chí Quảng Trị là một cách làm hiệu quả. Trên thực tế thấy rằng, các tác phẩm được hỗ trợ thông qua hình thức này đều là những tác phẩm có sự tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới, đáng quan tâm trong xã hội… được dư luận đồng tình ủng hộ, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương có cái nhìn sát thực tế để đưa ra những quyết sách phù hợp; một số vụ việc tiêu cực đã được các cấp chính quyền vào cuộc xử lý kịp thời, đem lại niềm tin trong nhân dân… Rõ ràng, nguồn hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao hằng năm đã thực sự trở thành nguồn động viên, khuyến khích các nhà báo lao động sáng tạo một cách chân chính, hiệu quả”.
Sông Mây