Thời gian qua, hệ thống chính trị của tỉnh đã và đang nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc duy trì khu vực tài chính lành mạnh, hiệu quả trên tinh thần điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn, tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Qua đó góp phần huy động, sử dụng hiệu quả ngang tầm nguồn lực đang nắm giữ gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhờ nguồn vốn vay phát triển kinh tế từ Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Trung Hiếu, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) đã đầu tư mua sắm hệ thống máy móc hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh: Nguyễn Lượng
Sau 75 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, vị thế và tiềm lực kinh tế của tỉnh không ngừng tăng lên, từng bước khẳng định chỗ đứng trong vùng và khu vực.
Để có được kết quả đó, tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế riêng, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và góp phần phục hồi, giữ ổn định nền kinh tế. Một trong số đó phải kể đến việc chủ động, sáng tạo, áp dụng linh hoạt các chính sách tài khóa.
Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành quy định về tổ chức điều hành dự toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tại ngân sách các cấp để tạo nguồn cải cách tiền lương theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính; thực hiện tiết kiệm thêm trong năm theo điều hành của Chính phủ để dành nguồn cho đầu tư phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Từng bước nâng tỷ lệ điều tiết các khoản thu cân đối cho ngân sách các huyện, thành phố, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, trong đó phân cấp điều tiết cho ngân sách huyện, ngân sách cấp xã hưởng thuế thu nhập cá nhân, thu tiền bảo vệ đất trồng lúa, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tăng thêm tỷ lệ điều tiết thu tiền sử dụng đất, phân cấp thêm nhiệm vụ chi…
Bên cạnh đó, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như giảm lãi suất, đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn… nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Aribank chi nhánh Vĩnh Phúc triển khai linh hoạt nhiều chương trình vay vốn, giúp người dân, doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Điểm nhấn là việc triển khai hiệu quả, theo thẩm quyền hàng loạt chính sách gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách… theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Tính riêng trong lĩnh vực hỗ trợ về lãi suất cho vay từ ngân sách Nhà nước (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung rà soát các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định. Lũy kế từ đầu chương trình đến nay, toàn tỉnh có 52 khách hàng gồm 9 doanh nghiệp và 43 hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất với số tiền 7,2 tỷ đồng.
Gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch) đã khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đại diện Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ: Các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí… được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi đối mặt với thách thức từ các “hàng rào” thương mại khi vươn ra thị trường quốc tế. Đến nay, các sản phẩm mang thương hiệu Amy Group đã có mặt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao như Mỹ, châu Âu, Malaysia, Hàn Quốc… Mục tiêu trong năm 2025 của công ty là ngày càng đa dạng hóa về chủng loại, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu mức tăng trưởng 13% so với năm 2024.
Năm 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 10 - 11% so với năm 2024; tiếp tục duy trì nằm trong Top các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 32.100 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 26.000 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 6.100 tỷ đồng…
Cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục chủ động quản lý thu ngân sách, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới nhằm giữ vững tỷ trọng thu nội địa. Khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công; linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Đẩy mạnh cơ cấu chi ngân sách, tập trung vào các nhiệm vụ thiết yếu. Chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển.. Từ đó từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngọc Lan
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/124026/Linh-hoat-chinh-sach-tai-khoa-gop-phan-xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu
Bình luận (0)