“Trong khi thế giới đang cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, liệu Ninh Bình có thể trở thành thành phố Net Zero vào năm 2030 không?”, đó là câu hỏi được bà Betty Pallard, Giám đốc Tầm nhìn tại ESGs & Climate Consulting đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Câu hỏi ấy đưa ra khi Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình gần đây.

Là người có 30 năm sinh sống tại Pháp và Thụy Sỹ trước khi trở về Việt Nam, bà Betty Pallard cho biết, ESGs & Climate Consulting đã thực hiện hơn 8.000 báo cáo ESG tại châu Âu với trọng tâm chính là đánh giá và đền bù lượng khí thải carbon, hướng tới tương lai trung hoà carbon, đặc biệt là với các hoạt động du lịch, thể thao, văn hoá.

Các hoạt động này chiếm khoảng 20-22% lượng phát thải carbon trên toàn cầu nên càng cần nhanh chóng giảm thiểu carbon. Bà khuyến nghị tỉnh Ninh Bình cần thiết kế lại các hoạt động du lịch gắn với các tiêu chuẩn Net Zero.

“Ngay từ ngày mai, tỉnh Ninh Bình có thể chọn một sản phẩm du lịch làm thí điểm khai thác gắn với tiêu chí Net Zero, để tính toán mỗi du khách phát thải bao nhiêu carbon, và từ đó xem mất bao lâu để ra đời một sản phẩm du lịch Net Zero hoàn thiện”, bà gợi ý.

Chuyên gia này cũng khẳng định, có thể trong mắt bạn bè quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một quốc gia nghèo, nhưng trong việc giảm thiểu carbon thì Việt Nam đang rất tích cực hành động.

Tại buổi làm việc đó, ông Đoàn Minh Huấn – Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình – cho hay, nhìn nhận rõ tiềm năng, lợi thế của một địa phương có di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Ninh Bình đã chú trọng phát triển theo hướng “Xanh, bền vững, hài hòa”; chuyển đổi phương thức sản xuất từ nâu sang xanh; thu hút chọn lọc, phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…

Tuy nhiên, Ninh Bình cần có sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện hơn nữa; chuyển từ nền kinh tế khai thác tài nguyên thiên nhiên văn hóa thô sang một nền kinh tế thông dụng về khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo về văn hóa nghệ thuật; từ hội nhập quốc tế nông sang hội nhập quốc tế sâu…

“Ninh Bình lâu nay khai thác du lịch chủ yếu dựa vào di sản thiên nhiên và di sản văn hoá, nhưng mới chỉ khai thác các di sản thô chứ chưa tinh. Hướng đi mới của tỉnh là phải xanh, bền vững, thông dụng; coi đổi mới sáng tạo là văn hoá”, bí thư tỉnh ủy Ninh Bình nói.

Theo ông, cần phải có sản phẩm du lịch sáng tạo từ cảm hứng của di sản. Lâu nay, Ninh Bình vẫn chỉ phát triển bó quanh du lịch chứ chưa phải công nghiệp văn hoá sáng tạo.

Quyết tâm của Ninh Bình được thể hiện rõ ngay trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ công nghiệp văn hóa, du lịch là mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Theo GS-TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, với định hướng như vậy, Ninh Bình chắc chắn sẽ là hình mẫu cho sự phát triển bền vững và trách nhiệm. Vị này cũng gợi mở một số nội dung xoay quanh câu chuyện chuyển đổi hình thức sản xuất từ nâu sang xanh, câu chuyện chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình xã hội, chuyển đổi mô hình dân số…

Đóng góp ý kiến xây dựng thương hiệu cho du lịch Ninh Bình, chuyên gia thương hiệu Trần Tuệ Tri nhìn nhận, Hoa Lư – Ninh Bình, nơi có bề dày về lịch sử, văn hoá và có quần thể di sản văn hoá – thiên nhiên thế giới Tràng An… Tất cả những yếu tố đó hội tụ lại khiến Ninh Bình không chỉ là một “cô gái đẹp” mà còn có chiều sâu, có văn hoá.

Nhưng làm sao có thể khai thác với chiều sâu về chất chứ không đi vào lượng. Bà Trần Tuệ Tri gợi ý, tỉnh có thể tham khảo mô hình Kyoto (Nhật Bản), một thành phố có chiều sâu lịch sử và cũng rất đẹp.

“Chúng ta dám so sánh với một tầm cao thì chúng ta mới có thể vươn xa được”, bà Tri nói. “Tôi nghĩ Ninh Bình hoàn toàn có thể thay đổi suy nghĩ về du lịch Việt Nam không chỉ là giá rẻ, mà hoàn toàn có thể đưa ra một giá trị về du lịch gắn với giá trị văn hoá, lịch sử của mảnh đất này.”

Ninh Bình có thể kể câu chuyện về phát triển di sản thiên nhiên bền vững cho thế giới. Các quốc gia phát triển họ làm rất tốt việc này, nhưng không có nhiều quốc gia đang phát triển làm được việc đó, bà Tri chia sẻ.