Hàng nghìn người mạo hiểm tính mạng trèo lên tàu hàng Mexico, hy vọng kịp tới biên giới Mỹ đúng lúc nước này chấm dứt chính sách nhập cư nghiêm ngặt.
Hàng trăm người tìm cách nhảy lên các đoàn tàu hàng mỗi ngày, ngồi trên nóc hay bám vào các điểm nối toa khi tàu dừng tại trạm Huehuetoca, thị trấn phía bắc Mexico City, theo giới chức Mexico.
Dòng người trở nên gấp gáp khi Mỹ từ ngày 11/5 thông báo chấm dứt hoạt động kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt theo Điều 42, chính sách được ban hành thời Covid-19 cho phép nhanh chóng trục xuất người di cư trở lại Mexico.
Mỹ đang chuẩn bị ứng phó một lượng lớn người nhập cư tại các cửa khẩu khi chính sách theo Điều 42 kết thúc. Áp lực tiếp tục đè nặng lên lực lượng biên phòng và hải quan vốn đối mặt tình trạng vượt biên trái phép cao kỷ lục.
Nhiều người di cư muốn đến biên giới càng sớm càng tốt dù chưa rõ quy định nhập cư của Mỹ sẽ thay đổi ra sao. Washington cho hay sẽ hoàn thiện quy định mới trong tuần này và dự kiến từ chối nhiều đơn xin tị nạn.
"Quy định mới có thoáng hơn không ư? Tôi cho là không", Romario Solano, 23 tuổi, người Venezuela, nói khi chờ đợi nhiều giờ dưới ánh nắng thiêu đốt gần đường ray xe lửa ở Huehuetoca. "Chúng tôi hiểu khi tình trạng di cư tăng lên, chính quyền Mỹ sẽ áp đặt nhiều biện pháp cứng rắn hơn".
Solano thừa nhận nhảy tàu rất nguy hiểm nhưng không còn lựa chọn nào khác vì hết tiền đi xe khách. Các chuyến tàu này được gọi là Quái vật vì họ đối mặt nguy cơ chấn thương, thậm chí tử vong, nếu ngã xuống. Người di cư cũng dễ bị tổn thương bởi các băng nhóm xã hội đen, thời tiết lạnh giá ban đêm và nóng nực ban ngày.
Làn sóng người lên tàu chủ yếu là công dân đến từ Venezuela, trong đó có gia đình mang theo con nhỏ. Họ muốn đến Ciudad Juarez, thành phố phía bắc Mexico, đối diện qua biên giới với thành phố El Paso của Mỹ.
Họ leo lên nóc tàu, những người khác trải chăn lên trên sỏi đá, sắt thép và các vật liệu xây dựng trên các toa tàu hàng.
"Chúng tôi chưa từng thấy nhiều người di cư đi qua đây như thế", Guadalupe Gonzalez, nhà hoạt động vì quyền lợi người di cư, tuần trước cho biết ở thành phố Irapuato, miền trung Mexico, nơi có trạm dừng tàu. Gonzalez cho hay tháng qua có tới 700 người tìm cách trèo lên tàu mỗi ngày.
Ngồi trên một khúc gỗ gần bãi rác Huehuetoca, Allender Ruy, người di cư Venezuela, phát tin nhắn thoại mà người bạn vừa gửi, cảnh báo về hành trình vài ngày trước. "Người anh em, khi lên tàu, hãy nai nịt kỹ càng, trời lạnh khủng khiếp".
Sau khi bị Panama trục xuất về Venezuela hồi đầu năm khi trên đường tới Mỹ, Ruy hy vọng lần này sẽ đến được nơi mình mong muốn. "Tôi phải tới đó càng sớm càng tốt".
Trên màn hình điện thoại, Franklin Cuervas, đồng hương của Ruy, xem video TikTok với chú thích "biên giới ngày càng khó hơn". Hai anh em của Cuervas ở Mỹ giục anh tới trước ngày 11 để tránh cảnh chen chúc.
"Họ nói tốt nhất là đến sớm, bởi ngày càng nhiều người đang đổ tới, muốn được vào Mỹ", Cuervas cho hay.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)
Source link
Bình luận (0)