Anh Nguyễn Đình Viên – Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee – cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động kinh doanh của đơn vị cơ bản ổn định, trong 3 tháng đầu năm đã xuất khẩu khoảng 20.000 tấn cà phê sang thị trường Algeria, Ai Cập, Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất)…
Từ nay đến cuối năm, đơn hàng dự kiến còn tăng nhưng thực tế lượng hàng cung ứng cho đối tác khá ít vì hiện đang là cuối vụ cà phê. Vì vậy, đơn vị đang nghiên cứu vào lĩnh vực chế biến sâu hạt cà phê để cải thiện thu nhập, trách quá phụ thuộc vào riêng vào mỗi hạt nhân thô”.
Đối với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Dak Lak, thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk) chỉ sau 2 tuần bắt đầu hoạt động trở lại từ giữa tháng 2/2024, đơn vị đã có 500 container hàng xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 125.000 tấn cà phê trong năm 2024. Để hiện thực hóa điều này, ngày 9/3, đơn vị đã khai trương thêm 1 kho cà phê nhân thứ 4 trên toàn quốc và là kho đầu tiên tại Hà Nội. Kho tại chỗ cũng sẽ giúp làm giảm chi phí vận chuyển nhỏ lẻ, tránh giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển xa.
Được biết, tính riêng trong trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt tới 210.000 tấn (tăng 48% về lượng), với kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD (tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Đắk Lắk chiếm 2/3 sản lượng và giá trị cà phê xuất khẩu của cả nước.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 212.915ha cà phê. Dự kiến, sản lượng cà phê niên vụ 2023 – 2024 đạt trên 570.000 tấn, tăng hơn 5% so với niên vụ trước.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, việc nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất khẩu lượng lớn cà phê đi các nước là tín hiệu rất đáng mừng. Tỉnh đang xác định rõ và yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phải cải thiện, tập trung hơn nữa vào chế biến sâu các sản phẩm từ cây cà phê thay vì chỉ tập trung vào phần thô như hiện nay.
Chỉ có như vậy cà phê Việt Nam nói chung và riêng địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới có chỗ đứng đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Ông Trần Đức Nhật – Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk – nhận định, việc các doanh nghiệp trên địa bàn liên tục có những đơn hàng lớn xuất khẩu cà phê sang nước ngoài cho thấy uy tín, thương hiệu nông sản của tỉnh ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh lợi ích to lớn về kinh tế, việc tạo được thương hiệu cà phê trên thị trường quốc tế sẽ giúp cho TP Buôn Ma Thuột có lợi thế, hy vọng để sớm trở thành thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới” trong tương lai gần. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc chính quyền thành phố phải nỗ lực không ngừng còn cần sự chung tay của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn.