Đây là một nỗ lực mới nhất của Liên minh châu Âu nhằm trấn áp thông tin sai lệch, mà các quan chức EU cảnh báo đang phát triển mạnh trong những năm qua, đặc biệt sau sự xuất hiện của các công nghệ AI gần đây.
“Các chatbot tiên tiến như ChatGPT có khả năng tạo nội dung và hình ảnh phức tạp, với nguồn thông tin nhìn rất đáng tin cậy chỉ trong vài giây”, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Vera Jourova, nói với các phóng viên.
Bà đề nghị 44 công ty đã ký quy tắc thực hành tự nguyện của EU phải giúp người dùng xác định rõ hơn nội dung nào do AI tạo ra. “Việc dán nhãn nên được thực hiện ngay bây giờ và ngay lập tức”, bà nói.
Các Big Tech sẽ phải tuân thủ?
Thực tế, các gã khổng lồ công nghệ không có nghĩa vụ phải tuân thủ yêu cầu mới nhất của Brussels và họ sẽ không bị trừng phạt bởi vì quy tắc thực hành hoàn toàn là tự nguyện này. Vào tháng 5, Twitter thậm chí đã rút khỏi quy tắc thực hành của EU.
Nhưng vào tháng 8 tới, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU sẽ có hiệu lực và sẽ yêu cầu kiểm duyệt nội dung chính trên các nền tảng của các Big Tech, bao gồm Twitter.
Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số sẽ buộc các công ty minh bạch hơn về các thuật toán của mình, tăng cường các quy trình để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin có hại và cấm quảng cáo nhắm mục tiêu dựa trên dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục.
Các công ty sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm toàn cầu nếu bị phát hiện vi phạm luật mới và thậm chí có thể bị cấm hoạt động tại Liên minh châu Âu.
Có nghĩa, mặc dù Twitter, Facebook hay TikTok có thể né tránh yêu cầu mới nhất của EU về việc phải gắn nhãn ngay lập tức các hình ảnh hoặc video do AI tạo ra, nhưng nếu để chúng xuất hiện trên các nền tảng của mình và vi phạm các quy định mới, các mạng xã hội này vẫn sẽ bị phạt.
EU chạy đua để kiểm soát AI
Liên minh châu Âu cũng đang xây dựng các luật khác để kiểm soát trí tuệ nhân tạo, được gọi là Đạo luật AI. Theo kế hoạch, một số cách sử dụng AI sẽ bị cấm hoàn toàn, chẳng hạn như “chấm điểm xã hội” và nhận dạng khuôn mặt trong không gian công cộng. Các đề xuất cũng sẽ hạn chế AI trong các lĩnh vực “rủi ro cao”, bao gồm tuyển dụng và giao thông công cộng.
Nhưng những quy tắc này vẫn đang được soạn thảo và dự kiến sẽ mất ít nhất 2 năm trước khi chúng được thông qua và có hiệu lực. Hiện EU đang theo đuổi một số biện pháp ngăn chặn tạm thời, bao gồm một bộ quy tắc ứng xử AI tự nguyện mới và một “hiệp ước AI”, theo đó các công ty có thể chọn tuân theo các quy tắc của tương lai ngay tại thời điểm này.
Hoàng Tôn (theo DW)