Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ
Trong bối cảnh ngành tôm đang khó trong lẫn ngoài, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã chủ động ngồi lại để tìm cách nâng cao tỷ lệ nuôi tôm thành công nhằm giảm giá thành và xa hơn là xây dựng nên một liên minh ngành tôm với mục tiêu “Vì một ngành tôm phát triển bền vững”.
Chuẩn bị thả tôm giống vụ nuôi mới ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Trong cơ cấu giá thành sản xuất tôm hiện nay, con giống chỉ chiếm khoảng 5-7%, nhưng lại là yếu tố có vai trò rất quan trọng, có tính quyết định đến tỷ lệ nuôi tôm thành công. Vì vậy, muốn nâng cao tỷ lệ nuôi tôm thành công nhằm giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh, phải bắt đầu ngay từ khâu con giống. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhấn mạnh: “Nghề nuôi tôm đang là vấn đề quan trọng của cả ngành tôm và trong nuôi tôm thì con giống là một trong những yếu tố đầu vào rất quan trọng, quyết định rất lớn đến tỷ lệ thành công của mỗi vụ nuôi. Vì vậy, việc lấy mắt xích này làm bước đi đầu tiên là phù hợp, nhằm tạo tiền đề cho các mắt xích khác trong chuỗi giá trị ngành tôm tham gia vào một liên minh mới của ngành tôm trong thời gian tới”.
Con giống rất quan trọng đối với nghề nuôi nói riêng và cả ngành tôm nói chung, nhưng hiện có quá nhiều nhà cung ứng nhỏ lẻ gây không ít khó khăn cho công tác quản lý cũng như sự chọn lựa của người nuôi. Theo khảo sát của VASEP từ các nguồn thông tin cho thấy, trong số hơn 2.000 trại giống trên cả nước, chỉ có hơn một nửa là đủ tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận. “Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam rất thấp so với các nước cạnh tranh trực tiếp. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng hàng xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định của các nước nhập khẩu” – ông Trương Đình Hòe thông tin thêm. Theo đề xuất của ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cần xây dựng tiêu chuẩn và tiến tới gắn sao cho các trại giống để công khai, minh bạch thông tin và cũng để cho người nuôi hay cả vùng nuôi có đánh giá một cách công bằng cho các trại.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam khẳng định, qua thực tế những năm tôm nuôi thiệt hại lớn do dịch bệnh thì yếu tố con giống chiếm tỷ lệ khá cao. Trong bối cảnh nuôi tôm ngày một khó khăn, theo ông Phục, các công ty sản xuất giống cần có sự chia sẻ với người nuôi về đảm bảo tỷ lệ sống cao, giá thành cạnh tranh và đặc biệt là cần công khai, minh bạch thông tin để người nuôi có thêm nhiều chọn lựa. Bổ sung thêm về mối liên hệ giữa doanh nghiệp sản xuất giống với người nuôi, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, không phải doanh nghiệp và người nuôi muốn đổ hết khó khăn về phía doanh nghiệp sản xuất giống, nhưng thực tế cho thấy con giống là rất quan trọng, quyết định rất lớn đến tỷ lệ nuôi tôm thành công để từ đó giúp giảm giá thành tôm nuôi.
Đồng tình với những nhận định trên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, có 3 vấn đề đặt ra cho ngành tôm lúc này là: làm sao để nâng cao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm; kiểm soát tốt chất lượng, giá thành sản phẩm đầu vào trong nuôi tôm và cuối cùng là quản lý và kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị tôm Việt Nam. “Hiện nay báo cáo, thống kê về hoạt động sản xuất, cung ứng tôm giống chưa đúng, chưa sát với thực tế, dẫn đến tình trạng sai số về thống kê số lượng, không quản lý hết được chất lượng. Điều này dẫn đến hệ quả là tỷ lệ nuôi tôm thành công rất thấp, con giống vẫn còn mang mầm bệnh từ tôm bố mẹ lây lan sang. Sai số này cần sớm được khắc phục để không chỉ phục vụ tốt hơn cho nghề nuôi mà cả lĩnh vực chế biến xuất khẩu” – ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
Đóng góp cho mục tiêu hợp tác giữa 2 mắt xích tôm giống và chế biến, ông Hồ Quốc Lực đề xuất tập trung cung cấp thông tin theo nhu cầu của người nuôi về chất lượng con giống của từng trại giống và cùng với đó là diễn biến giá tôm thế giới, nhằm giúp người nuôi nhỏ lẻ tránh việc mua phải con giống không được đánh giá chất lượng tốt, góp phần hạn chế rủi ro, nâng tỷ lệ nuôi thành công. Vấn đề thứ hai là tìm nguồn vốn cho người nuôi nhỏ lẻ thông qua việc hướng họ tham gia vào chuỗi mới đã và đang hình thành vì người nuôi nhỏ lẻ hiện hầu như rất khó tiếp cận nguồn vốn vay trực tiếp từ ngân hàng. Vấn đề cuối cùng là Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Ông Lực cho biết: “Sự hợp tác giữa 2 mắt xích: con giống và chế biến trong bước đi đầu tiên này là hết sức cần thiết và cấp bách. Bước tiếp theo nên có sự tham gia của các mắt xích khác trong chuỗi giá trị con tôm, như thức ăn, chế phẩm nuôi, thương lái và không thể không có vai trò hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan”.
Với quyết tâm “Vì mục tiêu phát triển bền vững ngành tôm”, tới đây, VASEP sẽ tiếp tục làm việc với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận để thống nhất một số nội dung cốt lõi và chuẩn bị cho phiên làm việc tiếp theo với sự tham gia của các mắt xích khác trong chuỗi giá trị con tôm, dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới.