Liên kết vùng tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 để hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách vùng miền trong phát triển thương mại điện tử.
Thu hẹp khoảng cách vùng miền
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 18-25% mỗi năm, thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, đó là: Khoảng cách phát triển giữa địa phương không đồng đều; không ít sản phẩm thương mại điện tử của các địa phương trùng lắp và cạnh tranh lẫn nhau…
Điều này đặt ra ưu tiên thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, nhằm phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại này; đồng thời giúp xóa bỏ rào cản về địa lý, thời gian và tạo ra một thị trường thương mại điện tử rộng lớn hơn. Trên nền tảng số, doanh nghiệp trong vùng có thể tiếp cận được với tệp khách hàng đa dạng, với sở thích, hành vi và thói quen khác nhau. Hình thức này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tăng doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức nhiều hội thảo liên kết vùng trong thương mại điện tử. Ảnh minh họa |
Thực tế những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử nhiều vùng đã có sự khởi sắc. Điển hình tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung, cụ thể là tỉnh Bình Định nói riêng. Đến năm 2024, chỉ số thương mại điện tử của Bình Định xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với cùng kỳ năm 2023.
Người dân nơi đây cũng dần thay đổi thói quen từ phương thức mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Doanh nghiệp quan tâm hơn đến thương mại điện tử, chủ động tham gia các ứng dụng, sàn thương mại điện tử, xây dựng website riêng để phục vụ trao đổi, mua bán; đồng thời thực hiện chuyển đổi số, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, sức cạnh tranh trên thị trường…
Hay tại Điện Biên và một số tỉnh vùng Tây Bắc, sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử ngày một gia tăng. Tỉnh Điện Biên hiện có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản thương mại điện tử đạt 20%, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 50%.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã từng chia sẻ, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng, tiện lợi.
Ghi nhận tại nhiều địa phương, vùng miền cũng cho thấy, thương mại điện tử đang phát triển khả quan, quá trình phát triển thương mại điện tử có chuyển biến tích cực từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang phổ biến rộng rãi, từng bước đi vào cuộc sống, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thông qua liên kết vùng giúp các thành viên tiết kiệm nguồn lực đầu tư cũng như phát triển nhanh, bền vững mà không ảnh hưởng chênh lệch quá lớn giữa các địa phương. Từ đó giúp hạn chế việc di dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến tiếp cận cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tìm giải pháp kết nối
Dù có nhiều lợi thế để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả song số lượng doanh nghiệp trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung tham gia sàn thương mại còn khiêm tốn, đặc biệt là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba, Amazon… Bên cạnh đó, số người bán còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng sản phẩm của các địa phương…
Tỉnh Điện Biên cũng tương tự, bên cạnh mặt tích cực thì hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử thiếu, chất lượng nguồn nhân lực thấp; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; phần lớn các website của tỉnh chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá giới thiệu sản phẩm, thiếu dịch vụ hỗ trợ tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng; số lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, yêu cầu để tham gia vào các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn…
Vì vậy, bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để các địa phương trong vùng tận dụng thương mại điện tử để đưa sản phẩm thế mạnh tiêu thụ rộng rãi trong vùng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp cả nước và quốc tế mà vẫn không cạnh tranh lẫn nhau, vẫn liên kết, hỗ trợ nhau theo lợi thế cạnh tranh của từng địa phương…
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trên cơ sở tổng kết Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, cùng với thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, Cục đã xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030, trong đó tập trung các giải pháp cho phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững, tăng cường liên kết vùng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – cho biết, việc tổ chức các hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử đã giải quyết được thực tế cũng nằm trong mục tiêu của chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia đó là hướng đến thương mại điện tử phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng miền và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại các vùng.
“Trong năm 2025, chúng tôi tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách vùng miền trong phát triển thương mại điện tử, cũng như đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại các địa phương và thúc đẩy kết nối thương mại điện tử nội vùng và ngoại vùng thông qua kết nối các cơ quan quản lý nhà nước để có thể nâng cao năng lực thực thi chính sách pháp luật trong thương mại điện tử, ví dụ như công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử, quản lý thuế, phối hợp với các công ty vận hành dịch vụ thương mại điện tử giải quyết bài toán giảm chi phí vận chuyển cũng như thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, đặc biệt thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng Việt qua thương mại điện tử…”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền nói.
Thương mại điện tử đang được đánh giá là công cụ hiệu quả để thúc đẩy liên kết vùng, giúp doanh nghiệp trong vùng có thể tiếp cận với thị trường đa dạng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Năm qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đẩy mạnh triển khai phát triển liên kết vùng trong thương mại điện tử thông qua các hội nghị tại những vùng kinh tế trọng điểm, như Tây Bắc, các vùng miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng miền khác. |
Nguồn: https://congthuong.vn/lien-ket-vung-de-tao-suc-manh-cho-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-368198.html