ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng – một ‘vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên’, vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng – một ‘vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên’, vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Vườn cà phê nằm tại buôn B’Srê A, chủ nhân là ông Nguyễn Viết Tiến, 58 tuổi. Đây cũng là một trong số hơn chục mô hình nông nghiệp hiệu quả được canh tác theo hướng hữu cơ để phục vụ du lịch trải nghiệm đang liên kết với HTX Du lịch Tà Đùng (xã Đắk Som, Đắk Glong, Đắk Nông).
Khu du lịch hồ Tà Đùng (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) là một tuyệt tác thiên nhiên, nhiều năm qua đã trở thành điểm đến hấp dẫn ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Không chỉ thế, vùng đất này còn rất phù hợp cho phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, mắc ca, hồ tiêu, cà phê… Nắm bắt được lợi thế này, HTX Du lịch Tà Đùng đã tập hợp nhiều mô hình canh tác tại địa phương để liên kết phát triển du lịch. Vườn cà phê của ông Tiến là một trong số đó.
Ông Tiến cho biết, vườn cà phê Robusta này có tổng diện tích 6ha, đã 12 năm tuổi, được canh tác theo quy trình hữu cơ ngay từ lúc mới trồng. “Ban đầu tôi chỉ hiểu nôm na là không dùng phân bón vô cơ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, đơn giản vì tôi trồng cà phê để trước mắt là cho mình và gia đình, người thân, bạn bè mình dùng thấy yên tâm hơn.
Tôi cũng hiểu tiếp xúc với nhiều chất hoá học độc hại từ phân bón, thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình, của gia đình. Không có sức khỏe thì sẽ không có gì. Tôi không vì năng suất, lợi nhuận mà sử dụng phân, thuốc vô tội vạ bởi lợi bất cập hại, chưa kể đất nhanh thoái hoá, bạc màu.
Đến khi mấy anh ở HTX Du lịch Tà Đùng đến gặp, kêu tôi liên kết phát triển du lịch, nói kỹ hơn về quy trình canh tác hữu cơ, tôi mới hiểu thế nào là hữu cơ. Thì ra lâu nay tôi đã áp dụng đến hơn 80% quy trình canh tác mà họ nói rồi”, ông Tiến cười, cho biết.
Ông Tiến chia sẻ, do ông còn làm thêm một số công việc khác nên vườn cà phê này không được đầu tư nhiều. Ban đầu ông mua phân bón hữu cơ của doanh nghiệp với giá khá cao. Trong khi đó, do không dùng vô cơ nên năng suất không cao, lợi nhuận không có. Sau khi tự mày mò, tìm hiểu quy trình ủ phân hữu cơ từ men vi sinh và tham vấn các chuyên gia nông nghiệp, ông mua men vi sinh về ủ phân bò, gà, dê để bón cho cây.
“Tôi chỉ phát cỏ quanh gốc cho sạch chứ tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ vì đây là lớp thảm giữ ẩm rất tốt cho đất và cũng là môi trường thuận lợi cho các loài côn trùng sinh trưởng. Riêng sâu bệnh thì tôi chỉ thỉnh thoảng dùng các chế phẩm sinh học của doanh nghiệp để phun, mà cũng rất hạn chế phun. Vì cây khoẻ nên sức đề kháng của cây cũng tốt, trong vườn nhiều loại côn trùng có ích sinh trưởng, chúng sẽ tiêu diệt côn trùng gây hại”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết trước khi liên kết với HTX Du lịch Tà Đùng, mặc dù cà phê của ông thuộc loại chất lượng cao nhưng vẫn chỉ bán cho thương lái như mọi loại cà phê canh tác truyền thống khác.
“Năm vừa rồi, một doanh nghiệp ở TP.HCM lên đây du lịch tham quan, họ thấy quy trình canh tác của tôi nên lấy mẫu cà phê về test. Sau đó không lâu, họ lên kêu tôi làm hợp đồng bao tiêu, thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê trong vườn với giá cao hơn thị trường từ 1,5 – 2 lần. Song họ cũng ràng buộc trong đó nhiều điều khoản, cơ bản là phải giữ nguyên phương thức canh tác, không được vì giá cao mà sử dụng phân, thuốc vô cơ để tăng sản lượng. Nếu không đạt chất lượng như ban đầu, mình sẽ phải đền hợp đồng và chịu phạt rất nặng. Dĩ nhiên là tôi chấp nhận hết vì ngay cả khi không có họ tôi vẫn canh tác như vậy. Thế mới biết bây giờ người ta coi trọng sản phẩm sạch như thế nào”, ông Tiến phấn khởi kể.
Điều khiến ông Tiến vui nhất chính là việc ông đi đúng hướng trong quy trình canh tác. Mặc dù vườn cà phê của ông mấy vụ trước không được đầu tư, chăm sóc bài bản, tuổi cây lại cao, có dấu hiệu lão hoá, năng suất thấp, vụ vừa rồi chỉ đạt hơn 2 tấn/ha nhưng ông Tiến vẫn hài lòng. Bởi giá trị của việc canh tác hữu cơ đã thấy rõ khi được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao. Vì thế, dù năng suất thấp, nhưng lợi nhuận vẫn không giảm.
“Bước đầu cho thấy những hiệu quả của việc liên kết giữa HTX Du lịch Tà Đùng và các nhà vườn để phát triển du lịch. Để liên kết bền vững, nhà vườn phải đảm bảo quy trình canh tác theo thoả thuận ban đầu, vườn sạch đẹp, quy trình canh tác sạch, bền vững, sản phẩm trong vườn phải đảm bảo chất lượng cao như cam kết. Đó là lợi ích trước mắt, còn về lâu dài, như anh Tiến nói, canh tác hữu cơ tốt cho sức khoẻ, cho môi trường và đầu ra ổn định…”, anh Võ Duy Quang, Giám đốc HTX Du lịch Tà Đùng nói.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/lien-ket-trong-ca-phe-huu-co-phat-trien-du-lich-d410730.html