Tín hiệu vui
Ngày 8/2 vừa qua (tức ngày 11 tháng Giêng), HTX Đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đến Đông Giang để mua nhung hươu từ các hộ nuôi hươu sao trên địa bàn.
Đơn vị chủ trì dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nuôi hươu sao lấy nhung này tiếp tục hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, chuẩn bị thức ăn cho hươu. Dịp này, hộ bà Đinh Thị Tốt (thôn Đha Mi, xã Ba) cắt được tổng cộng 1,5kg nhung bán cho hợp tác xã với giá loại 1 là 12 triệu đồng/kg.
Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, hươu sao là loài động vật dễ nuôi vì thức ăn chủ yếu là các loại lá, quả có sẵn xung quanh. Hươu sao ăn ít, thức ăn để nuôi 6 con đủ nuôi một con bò.
Hiện nay, hươu được nuôi rộng rãi tại một số tỉnh, điển hình như Hà Tĩnh, đã giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tìm hiểu thực tế và học hỏi kinh nghiệm tại địa phương bạn, Đông Giang kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã chủ trì tham gia dự án liên kết nuôi hươu sao. Năm 2024, dự án hỗ trợ 45 hộ nuôi 225 con (135 con đực), nay có nhiều con cho nhung đã tạo niềm tin, sự phấn khởi cho người dân.
Gần đây, các dự án liên kết trồng quế (quy mô ban đầu 422,7ha) đã hình thành tại Đông Giang. Loại được trồng là giống quế cao sản Yên Bái, càng trồng lâu năm thì giá trị kinh tế càng cao, năm thứ 5 đã bắt đầu cho thu nhập từ việc tỉa thưa thu được lá và vỏ thân mỏng dùng nấu tinh dầu.
Dự án liên kết cho doanh thu bình quân 1ha quế tính trong chu kỳ 10 năm khoảng 1 tỷ đồng (tính với mức giá thấp nhất); trừ đi chi phí sẽ cho lợi nhuận gần 75 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng cây keo (1ha keo tính chu kỳ 5 năm đạt 6 triệu đồng/ha/năm).
Theo thống kê, Đông Giang đang triển khai 21 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như heo đen, bò, hươu sao, quế, mít, ba kích, sầu riêng với sự tham gia của hàng nghìn hộ dân.
Hộ tham gia được hỗ trợ kỹ thuật, cây con giống chất lượng và bao tiêu tiêu thụ sản phẩm. Các dự án triển khai thành công sẽ mang lại thu nhập bền vững cho các bên tham gia liên kết.
Hiệu quả chưa như kỳ vọng
Đông Giang đã chú trọng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ chế chính sách của tỉnh để thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thành quả mới chỉ bước đầu, nhiều kỳ vọng đặt ra chưa đạt như mong muốn.
Theo ông A Vô Tô Phương, không thể phủ nhận phần lớn người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm và tham gia rất tích cực vào chuỗi liên kết, tiêu biểu như nuôi heo đen, hươu sao lấy nhung, trồng ba kích, sầu riêng, mít ruột đỏ... Tuy nhiên, còn đó bộ phận hộ dân chưa có ý chí thoát nghèo.
Đơn cử, chuỗi liên kết trồng quế được chuẩn bị kỹ càng về phương án, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về hiệu quả kinh tế - xã hội, thị trường tiêu thụ, quy mô phát triển sản phẩm, song nhiều người không chịu thay đổi tập quán canh tác mà chỉ gắn chặt với cây keo.
Vì vậy, mục tiêu tăng diện tích trồng quế đến năm 2025 đạt ít nhất 2.500ha, năm 2030 đạt khoảng 4.000ha để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn nhằm xây dựng thương hiệu, định vị, thu hút đầu tư vào chế biến sâu (nhà máy chế biến công suất 1.000 tấn quế tươi/năm cần vùng nguyên liệu khoảng 300 - 500ha/năm) rất khó về đích.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đông Giang, chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa phụ thuộc vào nước trời sang hoa màu có giá trị kinh tế cao, cây keo sang cây lâm sản lấy gỗ, cây ăn quả diễn tiến chậm.
Liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân còn hạn chế. Phát triển kinh tế vườn chưa tạo thành phong trào sôi nổi, đều khắp trong toàn huyện. Số lượng doanh nghiệp tham gia hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít, quy mô nhỏ; một số chuỗi giá trị triển khai giai đoạn đầu chất lượng chưa cao.
Ngoài ra, phương thức tuyên truyền, vận động tại một vài nơi còn đơn điệu, chưa sát với tập quán, văn hóa và thực tế từng đối tượng. Một nguyên nhân khác tác động không nhỏ đến việc triển khai có hiệu quả một số chuỗi liên kết là yếu tố địa hình, thời tiết bất lợi. Dịch bệnh trên gia súc phức tạp, khó lường dễ dẫn đến trắng tay nếu chủ quan ứng phó.
Thời gian đến, Đông Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi ý thức người dân. Phát huy vai trò hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ, phát triển những nhóm sản phẩm chủ lực có lợi thế của huyện và đáp ứng nhu cầu sản phẩm của xã hội. Chú trọng xây dựng mô hình vườn mẫu để làm điểm tham quan học tập kinh nghiệm, nhân rộng...
Nguồn: https://baoquangnam.vn/lien-ket-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-o-dong-giang-chua-nhu-ky-vong-3148902.html
Bình luận (0)