Tủa Chùa là một trong hai huyện của tỉnh có vùng ngập nước lòng hồ Thủy điện Sơn La. Các vùng trũng của xã Huổi Só, Tủa Thàng, Sín Chải chìm trong làn nước xanh biếc của sông Đà. Những hòn đảo nhấp nhô giữa lòng hồ tạo nên cảnh sắc hoang sơ, quyến rũ. Ngoài khu vực lòng hồ, đây là nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hóa, trang phục, phong tục tập quán riêng; cùng với chợ phiên, cao nguyên đá và hệ thống các hang động… Tất cả các điểm trên đã tạo nên những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch.
Chính vì vậy, các mô hình liên kết, thúc đẩy du lịch, phát triển các dịch vụ cung ứng, phục vụ du khách ngày càng nhiều. Từ dịch vụ lưu trú homestay, đi thuyền trải nghiệm lòng hồ, cho thuê xe máy, phục vụ nhu cầu ăn uống, cắm trại, giao lưu văn nghệ, trải nghiệm văn hóa các dân tộc… ngày càng nở rộ.
Xã Trung Thu với địa hình núi cao có 47ha đồi thông; đứng trên đồi thông có thể ngắm nhìn vùng ngập nước lòng hồ thủy điện. Đồng thời, xã Trung Thu là tiểu khí hậu, quanh năm mát mẻ, mỗi sáng sớm đứng trên đồi thông du khách có thể trải nghiệm từng tầng mây chậm trôi trên lòng hồ, là điểm đến lý tưởng trong hành trình săn mây. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã trong công tác văn hóa xã hội, việc gìn giữ, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống luôn được coi trọng đã tạo nên những điều kiện thuận lợi để Trung Thu phát triển du lịch.
Anh Vừ A Kỷ, phụ trách điểm du lịch Po Chua Lừ (đồi thông), xã Trung Thu cho biết: Du khách đến Trung Thu thường đi theo đoàn hoặc nhóm nhỏ, di chuyển bằng xe máy. Để đáp ứng nhu cầu ngắm cảnh, săn mây, khám phá văn hóa, ẩm thực của du khách, điểm du lịch Po Chua Lừ đã liên kết với nhiều bên tham gia.
Điểm du lịch Po Chua Lừ cũng liên kết với các đội văn nghệ, mỗi khi du khách muốn giao lưu, trải nghiệm văn hóa; liên kết cùng doanh nghiệp lữ hành, chạy tour để thu hút khách cũng như quảng bá rộng rãi hình ảnh về miền đất, con người Tủa Chùa. Đối với những du khách muốn trải nghiệm ẩm thực dân tộc hoặc cắm trại, hệ thống cung ứng thực phẩm là các hộ dân ở bản, hiện nay điểm du lịch đã liên kết với gần 20 hộ, đảm bảo cung ứng thực phẩm sạch và an toàn. Từ mô hình liên kết phát triển du lịch trên, cơ bản đáp ứng đủ các nhu cầu của du khách trong hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa, miền đất và con người tại địa phương.
Anh Trương Khắc Lương, hướng dẫn viên tour du lịch Điện Biên cùng thổ địa cho biết: Tủa Chùa là một trong những điểm đến lý tưởng và nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch gắn liền với cảnh sắc và văn hóa địa phương. Du khách đi tour chủ yếu di chuyển bằng thuyền và xe máy. Khách đến Tủa Chùa đông vào khoảng tháng 9 đến gần tết. Liên kết với các bên cung ứng dịch vụ du lịch tại địa phương không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách, giúp họ có cái nhìn toàn diện về vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, sự thân thiện, thuần chính, chất phác của bà con dân bản, nét độc đáo trong trang phục, phong tục truyền thống… Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương bởi các bên tham gia cung ứng, bán các dịch vụ là người dân bản địa, tạo sự gắn kết, đảm bảo tính bền vững và ổn định trong phát triển du lịch.
Có thể thấy, hiện nay các mô hình liên kết phát triển du lịch ngày càng nở rộ, thông qua việc bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từ đó giúp người dân thêm động lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình; gắn bảo tồn, phát huy văn hóa thành động lực để phát triển kinh tế – xã hội an toàn, bền vững.