Tại tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” do Báo Người Lao Động vừa tổ chức, một trong những vấn đề được nhiều khách mời đề cập là câu chuyện liên kết. Trong đó, quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp (DN) du lịch và hãng hàng không để có tour trọn gói với chi phí cạnh tranh, hạn chế tác động tiêu cực từ giá vé máy bay tăng cao.
Lo khách nội “xuất ngoại”
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời điểm này, giá vé máy bay nhiều chặng nội địa đã hạ nhiệt do đang vào mùa thấp điểm của du lịch, nhu cầu đi lại sau dịp Tết Nguyên đán giảm khá mạnh.
Chẳng hạn, với đường bay nhộn nhịp nhất là TP HCM – Hà Nội, trong ngày 13-3, giá vé khứ hồi vào khoảng 3 triệu đồng/lượt, giảm mạnh 50% so với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt trong thời gian ngắn và sẽ tăng trở lại vào dịp lễ 30-4 cũng như cao điểm hè sắp tới.
Nhiều công ty du lịch cho biết giá vé máy bay duy trì ở mức cao trong thời gian qua khiến giá tour nội địa bị cạnh tranh mạnh mẽ so với các điểm đến khác trong khu vực. Một nghịch lý đang diễn ra là trong lúc ngành du lịch nỗ lực thu hút khách quốc tế thì lại lo khách nội địa “rủ nhau” đi du lịch nước ngoài vì giá vé máy bay trong nước cao.
Ông Trần Văn Linh, Trưởng Phòng Quản lý du lịch – Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho hay giá vé máy bay tăng cao nhất ở các tuyến bay từ các thị trường nguồn khách lớn như Hà Nội, TP HCM đến Phú Quốc. Giá tăng cao kể cả trong ngày thường, không riêng dịp lễ, Tết. “Tại thời điểm cao điểm nhất, giá vé khứ hồi chặng Hà Nội – Phú Quốc lên đến 10 triệu đồng/lượt, TP HCM – Phú Quốc là 6 – 8 triệu đồng/lượt. Giá vé hiện đã giảm nhưng không ổn định mà biến động theo thời điểm” – ông Linh nêu thực trạng.
Bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Vinpearl, nhìn nhận tỉ trọng chi phí du khách nội địa bỏ ra cao nhất là phục vụ việc di chuyển giữa các điểm đến. Điều này khiến không ít du khách chuyển hướng đến các điểm đến lân cận trong khu vực với khí hậu, văn hóa tương tự nhưng quảng bá hấp dẫn hơn và chi phí hợp lý hơn nhiều.
Kéo giảm chi phí du lịch nội địa
Một trong những giải pháp giúp giảm chi phí du lịch trong nước là hạ nhiệt giá vé máy bay. Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nghiên cứu, hình thành kênh thông tin, trao đổi chính thức, thường xuyên giữa bộ, các hãng hàng không và các địa phương. Thông qua việc trao đổi, tham vấn ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hãng hàng không có thể điều tiết giá vé máy bay, lịch bay bảo đảm phục vụ tốt nhất cho du khách.
“Việc phối hợp với hãng hàng không giúp các địa phương có thể thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm của địa phương, qua đó hạn chế tình trạng du lịch theo mùa hiện nay” – ông Minh phân tích.
Tuy nhiên, liên kết không phải là việc đơn giản. Ông Nguyễn Lê Vĩnh Lynh, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Ngắm cảnh Việt Nam (City Sightseeing) tại TP HCM, phản ánh DN đã chủ động liên kết với nhau nhưng để tuân thủ mối liên kết lại không dễ. “Có DN đề xuất ý tưởng nhưng chưa triển khai được thì đã bị DN khác khai thác, triển khai thành sản phẩm riêng của họ. Để DN duy trì liên kết, cho ra được sản phẩm để cùng thực hiện là rất khó” – ông Lynh chỉ rõ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, kể ông từng đề xuất thành lập một liên minh gồm các tập đoàn, DN trong ngành du lịch, hàng không để xây dựng phương án kích cầu, liên kết cùng phát triển nhưng không dễ thống nhất về hướng đi.
Lãnh đạo DN vừa có công ty du lịch vừa có hãng hàng không này đề xuất các DN du lịch và hãng hàng không nghiên cứu cùng làm tour dạng thuê bao nguyên chuyến (charter flight), thay vì mua vé máy bay theo series booking (đặt giữ chỗ số lượng lớn trước và phải đặt trước tiền cọc). Phương án này giúp cả hàng không và du lịch cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.
Cần “nhạc trưởng” cho du lịch nội địa
Các DN đề xuất để du lịch nội địa phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn, cần một “nhạc trưởng” kết nối, tạo cú bắt tay giữa du lịch – hàng không và lữ hành.
Theo bà Phan Thị Thúy Dung, đại diện Tập đoàn Sungroup, cùng đóng vai trò “nhạc trưởng” là Chính phủ và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để xây dựng các chương trình có tính chất kích cầu đột phá ở giai đoạn này với sự tham gia của tất cả địa phương, cộng đồng DN du lịch và các bên liên quan.
Bà Dung đề xuất triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn diện với chủ đề “Tôi yêu Việt Nam”, qua đó khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Tất cả DN tham gia hoạt động du lịch, gồm vận chuyển, nhà hàng, khách sạn… sẽ cùng chung tay áp dụng mức giá ưu đãi đặc biệt nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng dịch vụ hoặc gia tăng những trải nghiệm mới mẻ.