Campuchia là thị trường tiềm năng lớn
Mới đây, đoàn công tác Sở Công thương, UBND H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng các ngành chức năng tỉnh Tboung Khmum (Campuchia) đã tổ chức khảo sát chợ kiểu mẫu biên giới hai nước (chợ Đa, tỉnh Tboung Khmum) để bàn các giải pháp đẩy mạnh kinh doanh, du lịch.
Tại buổi khảo sát, đại diện Hội doanh nghiệp (DN) trẻ tỉnh Tây Ninh đề xuất tổ chức hội chợ giao thương hàng hóa trong dịp tết Chol Chnam Thmay của nước bạn, đồng thời nghiên cứu tổ chức điểm dừng chân, tham quan mua sắm trong chuỗi du lịch đến Tây Ninh và Tboung Khmum. Đặc biệt, trước sự khởi sắc của du lịch Tây Ninh, phía bạn cũng đề xuất thiết lập tuyến du lịch từ H.Memot (Thbong Khmum) đi núi Bà Đen và ngược lại.
Trước đó, ngay sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch, Sở VH-TT-DL Tây Ninh cũng đã tổ chức Chương trình xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường du lịch Tây Ninh với các tỉnh, TP có du lịch phát triển của vương quốc chùa tháp là Phnom Penh, Siem Reap.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Sở VH-TT-DL Tây Ninh cho biết là tỉnh tiếp giáp với Campuchia, có 2 cửa khẩu quốc tế và hơn chục cửa khẩu phụ, Tây Ninh sở hữu nhiều ưu thế để hút khách từ Campuchia. Di chuyển thuận tiện, dễ dàng, các DN có nhiều “đất” để xây dựng các chương trình tham quan có thời lượng phù hợp.
Ngoài những thuận lợi về vị trí địa lý, tỉnh cũng có những sản phẩm độc đáo được du khách Campuchia ưa chuộng như khám phá Căn cứ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, T.Ư Cục miền Nam cùng nhiều di tích văn hóa khác như: Tòa thánh Cao đài, Tháp Chóp Mạt, Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát đặc trưng cho vùng đất ngập nước theo mùa… Gần đây, tỉnh cũng thu hút được một số nhà đầu tư lớn đến xây dựng những sản phẩm du lịch nhân tạo đẳng cấp, mới lạ. Đây chính là những tiềm năng lớn để Tây Ninh có thể phát triển hầu hết các loại hình du lịch từ truyền thống văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh, nghiên cứu khoa học.
Nếu chúng ta có thể thực hiện ý tưởng visa xuyên Đông Dương, du lịch xuyên Đông Dương, mở visa, mở biên giới với Lào, Campuchia, Thái Lan thì không chỉ thu hút được khách từ thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan mà còn có thể khai thác thêm nhiều dòng khách quốc tế mà họ kéo tới.
TS Lương Hoài Nam
“Khoảng cách từ Tây Ninh đến trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước là TP.HCM tới 100 km. Quãng đường này chính là bất lợi ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút du khách tới Tây Ninh. Du lịch của tỉnh phải cạnh tranh rất lớn với sức hút từ các địa phương trong khu vực. Vì thế, thời gian qua, bên cạnh thị trường khách nội địa, tỉnh đang tập trung phát triển nguồn khách quốc tế, nhất là khách đến từ Campuchia. Với hệ thống sản phẩm mới hấp dẫn, cùng quy hoạch đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang được xúc tiến triển khai, chúng tôi kỳ vọng Tây Ninh không chỉ là điểm đến đột phá trong tương lai gần mà sẽ còn là điểm trung chuyển tiềm năng kết nối đưa khách từ Campuchia tới các tỉnh vùng Đông Nam bộ cũng như trên cả nước”, đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh nhận định.
Tương tự Tây Ninh, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cũng đang khai thác triệt để 132 km đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với 3 cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh để đẩy mạnh hút khách Trung Quốc du lịch đường bộ. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy đánh giá những năm qua, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã phát triển hợp tác giao lưu toàn diện về nhiều mặt, trong đó có du lịch. Đây là thị trường khách quốc tế lớn nhất của cả nước và của Quảng Ninh.
Khai phá tiềm năng du lịch biên mậu
Nhiều năm theo đuổi phát triển du lịch đường bộ, ông Lý Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty du lịch Nam Phương, cho rằng khách Campuchia, khách Lào, phía bắc Thái Lan trước đây đã từng có giai đoạn ồ sạt sang Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu khi đó chủ yếu là khám chữa bệnh và mức chi tiêu rất thấp nên đây không phải thị trường hấp dẫn để ngành du lịch “bỏ công chăm bẵm”.
Ngay cả giai đoạn sau dịch bệnh, ngành du lịch muốn vực dậy thật nhanh thì cũng chỉ dồn lực tập trung vào các thị trường hàng không. Các sản phẩm du lịch đường bộ liên tuyến như từ Tây Ninh đưa khách Campuchia đi TP.HCM, Đà Lạt hay đón khách Campuchia qua cửa khẩu Đà Nẵng nếu có, cũng chỉ mang tính chất “mang đồ cũ ra dùng lại”; vẫn dùng được, nhưng không hấp dẫn.
Ông Lý Việt Cường cho rằng nhu cầu du lịch của người Campuchia, Lào hiện cũng đã có nhiều thay đổi. Họ muốn tham quan nhiều hơn, mức chi tiêu cũng cải thiện nhiều hơn. Ngành du lịch cũng cần thay đổi góc tiếp cận để thu hút các thị trường này. “Khách Campuchia thích đi Đà Lạt chơi vì có núi, thích đến TP.HCM để chữa bệnh, lại đi qua cửa khẩu Mộc Bài đến Tây Ninh – điểm đến du lịch tâm linh mới nổi. Tại sao chúng ta không liên kết lại để hình thành sản phẩm du lịch bài bản, để khách đến có luồng, có tuyến và lưu trú dài ngày?”, ông Cường đề xuất.
Đồng quan điểm du lịch Việt Nam thời gian qua đã thiếu quan tâm tới thị trường du khách đường bộ, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB), thừa nhận ngay cả TAB cũng ít có số liệu cũng như nghiên cứu về đối tượng khách này. Nguyên nhân chính là do chưa có chính sách mở đường biên thông thoáng giữa các nước nên chưa thể khai phá hết tiềm năng của khách biên mậu.
“Thực tế không phải chúng ta chưa nhìn thấy tiềm năng đâu. Trước đây, Việt Nam đã từng rất nhiều lần nhắc tới ý tưởng “một visa – nhiều điểm đến” trong Tiểu vùng CLMV (Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam) nhưng rồi cũng khơi lên theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, hô hào rồi để đó không thực hiện được. Nếu các cửa khẩu được mở thông thoáng, người dân, du khách đi lại giữa các nước không cần visa, xe bên mình được qua bên họ, bên họ qua bên mình thuận lợi thì du lịch đường bộ sẽ phát triển mạnh, đặc biệt là dòng khách cá nhân, gia đình”, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.