Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Quá trình liên kết đó có những đặc điểm riêng và đóng vai trò quan trọng: Góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi; làm tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế và phát triển bền vững.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng 175 nghìn ha, tăng 50% so với năm 2016, trong đó, trồng trọt hữu cơ đạt 63.536 ha, tăng 19%. Hiện có 40 địa phương triển khai; Nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 134.000 ha, tăng 71,8 %. Hiện có 04 tỉnh triển khai; Chăn nuôi hữu cơ (lợn, gà, bò sữa) hiện có 12 địa phương triển khai, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc với khoảng 100 cơ sở; Thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ đạt 12.450 ha , tăng 72,7%. Chủng loại sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ ngày càng mở rộng.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết (28.159 hộ trồng trọt và 2.933 hộ chăn nuôi). Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897 ha với sản lượng 589.261 tấn, trong chăn nuôi đạt 1.054.715 con, sản lượng đạt 163.780 tấn. Trong đó, có 97 chuỗi được ngân sách hỗ trợ hình thành và 137 chuỗi được các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chủ động xây dựng, phát triển thông qua sự lan tỏa từ các mô hình chuỗi liên kết sau khi nắm bắt được các lợi ích, giá trị khi tham gia chuỗi. 100% các sản phẩm được tiêu thụ thông qua chuỗi đều được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thông qua các hợp đồng liên kết; đối với rau các loại, sản lượng qua sơ chế đạt 73%, trong đó sản lượng qua chế biến đạt khoảng 23,1%.
Theo PGS.TS Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè hữu cơ ở Thái Nguyên đều tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp thương mại để tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất – chế biến chè còn liên kết với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất thông thường, sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Diễn đàn đã tập trung trao đổi về trao đổi các nhóm giải pháp về chính sách ưu đãi; xây dựng, quản lý các tổ chức chứng nhận; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp hữu cơ… /