Trong 75 năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã phục vụ trong các hoạt động hòa bình ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông. Những người lính gắn với biểu tượng mũ nồi xanh đã giúp tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài cho những quốc gia bị xung đột tàn phá.
Dấu ấn Việt Nam trên chặng đường gìn giữ hòa bình
Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về một Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.
Vào tháng 6/2014, hai sỹ quan đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ sỹ quan liên lạc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS). Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã cử 804 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, phục vụ tại Trụ sở Liên hợp quốc, phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng vị trí 39 trên tổng số 117 quốc gia cử quân và cảnh sát với quân số triển khai thường xuyên tại các Phái bộ thực địa với 274 người, trong đó có 36 nữ quân nhân.
Hành trình 10 năm đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả, kiến tạo hòa bình bền vững cho thế giới, qua đó nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng và truyền thông quốc tế.
(theo Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Tri ân những người lính đã hy sinh
Luật sư Nicholas Haysom, người đứng đầu Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), cho biết ông kỷ niệm ngày này bằng cách tưởng nhớ những người lính gìn giữ hòa bình đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Thật đáng buồn, một số đồng nghiệp của chúng tôi đã phải trả cái giá đắt nhất khi thi hành nhiệm vụ. Di sản của họ vẫn tồn tại và truyền cảm hứng cho chúng tôi”, ông Hayson nói.
Là quốc gia trẻ nhất châu Phi, Nam Sudan có số lượng quân đội Liên hợp quốc cao nhất với 14.200 quân nhân, cảnh sát và công nhân dân sự, cũng như một lượng nhỏ chuyên gia, sĩ quan và tình nguyện viên.
Ông Haysom cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình có vai trò bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, để đảm bảo một tương lai an toàn, vẫn phải thông qua các giải pháp chính trị toàn diện.
“Những người gìn giữ hòa bình không bao giờ có thể thay thế vai trò chính trị của các bên để giành chiến thắng trong xung đột”, ông Haysom nhấn mạnh.
“Chúng tôi đã chứng kiến cuộc đấu tranh khắc nghiệt ở Nam Sudan, đặc biệt là ở các ngôi làng. Chúng tôi đã chứng kiến vai trò quan trọng của UNMISS và các đối tác của Liên hợp quốc trong việc giảm bớt những khó khăn đó”.
‘Chung tay xây dựng tương lai tốt đẹp hơn’
Lễ kỷ niệm năm nay cũng tri ân “những quân nhân và dân sự xuất sắc” bằng cách tôn vinh công việc của họ. Chuẩn úy Hwongi Rwang, một quan sát viên quân sự người Nigeria tại UNMISS ở Thủ đô Juba của Nam Sudan, chỉ ra vai trò quan trọng của ông và đồng nghiệp trên chiến trường.
Ông cho biết: “Chúng tôi là con mắt của phái đoàn vì chúng tôi đi tuần tra. Chúng tôi đến hiện trường, quan sát, theo dõi bất cứ điều gì chúng tôi thấy ở đó. Chỉ huy lực lượng không có mặt ở đó, vì vậy chúng tôi giống như đôi mắt của ông ấy”.
Nhiệm vụ chính của ông Rwang là giám sát và đánh giá các thỏa thuận sau xung đột như ngừng bắn để đảm bảo rằng giao tranh giữa các phe phái sẽ dừng lại trong một thời gian cụ thể, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, Thiếu tá Apoinero Kanyanda đến từ Rwanda, Giám đốc hoạt động của UNMISS, chuẩn bị các chiến lược và kế hoạch hoạt động cũng như phân bổ thiết bị, nhân sự và nguồn lực.
“Điều khiến tôi hạnh phúc là tôi và đất nước của mình góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước và người dân ở đây”, ông Kanyanda bày tỏ, nhấn mạnh rằng bản thân sẽ rất hạnh phúc nếu hòa bình tồn tại mãi mãi ở Nam Sudan, tránh những vụ việc đã xảy ra ở Rwanda, nơi gần 1 triệu người dân tộc Tutsi và Hutu ôn hòa bị sát hại một cách có hệ thống vào năm 1994.
Ngọc Ánh (theo DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/lien-hop-quoc-ky-niem-ngay-quoc-te-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-post297286.html