Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên trì ủng hộ sự thay đổi ở Afghanistan
Theo UN Women, việc chính quyền hiện nay tại Afghanistan đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ trong việc tham gia kinh tế – xã hội có thể khiến khoảng 2 triệu phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề. (Nguồn: UNICEF) |
Nêu bật những hạn chế sâu sắc mà chính quyền Taliban áp đặt đối với quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan, Giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous đưa ra lời kêu gọi trên vào đúng ngày đánh dấu hai năm lực lượng Taliban trở lại nắm quyền tại quốc gia Tây Nam Á này (15/8/2021-15/8/2023).
Theo bà Sima Bahous, trong hai năm qua, lực lượng Taliban đã áp đặt một cách toàn diện, có hệ thống và chưa từng có đối với quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Thông qua việc ban hành hơn 50 sắc lệnh, chỉ thị và hạn chế, Taliban khiến cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của phụ nữ đều bị ảnh hưởng, không có tự do.
Vị quan chức LHQ kêu gọi Taliban xem xét lại và cân nhắc những hậu quả mà chính sách trên gây ra đối với thực tại và tương lai của đất nước.
Nhắc lại cam kết kiên định của UN Women đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan, bà Sima Bahous “kêu gọi tất cả các bên tham gia cùng chúng tôi hỗ trợ phụ nữ Afghanistan bằng mọi cách”, từ việc giúp họ có tiếng nói lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng dễ tổn thương này, đến tài trợ cho các dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ các doanh nghiệp của họ.
Cùng ngày, các quan chức và đối tác của LHQ đã nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và đầu tư vào các giải pháp dài hạn cho Afghanistan, trong bối cảnh những khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sống tại nước này.
LHQ cảnh báo Afghanistan tiếp tục đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới khi ước tính 28,3 triệu người dân Afghanistan (chiếm gần 70% dân số) sẽ phải sống dựa vào viện trợ nhân đạo trong năm 2023, tăng mạnh so với mức 24,4 triệu người vào năm 2022. |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặc biệt quan ngại về tình trạng khẩn cấp về y tế ở Afghanistan. Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, nước này có 9,5 triệu người ít có cơ hội hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và 20% dân số đang mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần; 4 triệu người nghiện ma túy và các rối loạn liên quan; 875.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính.