Theo báo cáo do Trung tâm giám sát bảo tồn thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 12-2, nhiều loài động vật di cư đang đối mặt các nguy cơ ở khắp nơi trên thế giới.
Báo cáo Tình trạng của các loài di cư trên thế giới được công bố trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế diễn ra tại Samarkand, Uzbekistan, có tham dự của hơn 130 quốc gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư (CMS). Đây là báo cáo đầu tiên về vấn đề này, trong đó tập trung vào 1.189 loài được liệt kê trong CMS.
Báo cáo nêu rõ 1/5 trong số những động vật này đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, trong khi 44% quần thể bị suy giảm. Con người là chủ thể chính gây nên tình trạng này, thông qua các hành động phá hoại hoặc chia rẽ các quần thể, săn bắn, gây ô nhiễm môi trường bằng nhựa, hóa chất, ánh sáng, tiếng ồn…
Biến đổi khí hậu cũng tác động đến tuyến đường và thời gian di cư, do điều kiện từng mùa thay đổi. Quan chức đứng đầu UNEP Inger Andersen nêu rõ, báo cáo đã chỉ ra bằng chứng cho thấy những hoạt động không bền vững của con người đang khiến tương lai của các loài di cư bị lâm nguy.
Vẫn theo báo cáo, trong 3 thập kỷ qua, 70 loài trong danh sách của CMS bị đe dọa nhiều hơn, trong đó có những loài như đại bàng hung, kền kền Ai Cập và lạc đà hoang dã. Chỉ có 14 loài có môi trường sống đã được cải thiện như: cá voi xanh và cá voi lưng gù, đại bàng biển đuôi trắng…
Trong số 158 loài động vật có vú được liệt kê trong Công ước, 40% đang bị đe dọa trên toàn cầu. Gần như tất cả (97%) trong số 58 loài cá trong danh sách trên đối mặt với nguy cơ cao bị tuyệt chủng. Trong số hơn 960 loài chim trong Công ước, có 34 loài được xếp vào nhóm gặp nguy hiểm. Ngoài ra, còn có 399 loài di cư chưa được đưa vào danh sách bảo tồn CMS cũng được đánh giá đang bị đe dọa hoặc gần ở mức báo động.
HẠNH CHI