Hai buổi hòa nhạc chính trong Liên hoan Guitar Quốc tế Đà Nẵng diễn ra vào đêm 27 và 28.12.2024 tại Đại học (ĐH) Duy Tân đã mang đến một cảm xúc âm nhạc tròn đầy và thăng hoa với những giai điệu đỉnh cao thấm đẫm nghệ thuật guitar cổ điển.
Lần đầu tiên tổ chức nhưng Liên hoan Guitar Quốc tế Đà Nẵng do Danang Guitar (thành lập bởi nghệ sĩ Phan Xuân Trí) thực hiện đã mang đến một không gian âm nhạc không thể tuyệt vời hơn, ghi nhận một hành trình đầy tâm huyết của các nghệ sĩ với quyết tâm đưa guitar cổ điển đến nhiều hơn với khán giả. Bên cạnh các buổi hòa nhạc chính là nhiều hoạt động khác như Master Class (Lớp học nâng cao), Workshop “Chế tác đàn guitar”… được tổ chức đã truyền thêm cảm hứng cho những trái tim yêu nghệ thuật guitar cổ điển Việt Nam.
Những tác phẩm đỉnh cao ghi dấu ấn trong lòng khán giả
Một liên hoan được ấp ủ từ rất lâu đã trở nên vô cùng ấn tượng bởi niềm cảm hứng vô bờ bến đến từ các nghệ sĩ đã nhiều năm dành tình yêu cho guitar cổ điển. Đêm nhạc được mở màn với tiết mục El Gato Montes (nghĩa là “Chú mèo đi hoang”) vô cùng rộn ràng với tiết tấu trẻ trung đến từ nhóm hòa tấu nhí Dream Oasis Guitar Ensemble. Tiết mục này thường được lựa chọn mở màn cho các buổi dạ vũ, là một khúc nhạc điệu pasodoble, trích từ vở opera 3 màn của Manuel Panella (Tây Ban Nha). Những em nhỏ với lối chơi đàn hồn nhiên, vui tươi và đầy hào hứng ngay từ những phút đầu tiên đã mang niềm say mê cho trái tim bao khán giả.
Tiếp nối, khán giả được đắm chìm cùng tiết mục Tango en skai qua phần thể hiện của nghệ sĩ Padet Netpakdee (Thái Lan). Đây là một khúc tango phóng túng nổi tiếng nhất của nhạc sĩ/nghệ sĩ guitar người Pháp – Roland Dyens. Riêng nghệ sĩ Lê Hoàng Minh đã gửi gắm vào đêm nhạc tác phẩm mang màu sắc tân cổ điển của nhạc sĩ tài năng người Ba Lan Alexandre Tansman là Suite Cavatina (gồm 5 chương). Khán giả đã được chứng kiến một phần trình diễn đỉnh cao từ một nghệ sĩ người Úc gốc Việt thực sự tài năng luôn mang đến những cảm xúc tươi mới qua những khúc nhạc đàn được truyền tải một cách thăng hoa nhất.
Qua rất nhiều các tiết mục phong phú, đa dạng về thể loại, trải dài qua các thời kỳ âm nhạc khác nhau như âm nhạc thời baroque, âm nhạc thời lãng mạn, âm nhạc thời tân cổ điển, âm nhạc hiện đại, hay dòng âm nhạc Latin-American (Mỹ Latinh),…khán giả đã được gặp gỡ và hòa mình vào một thế giới âm nhạc qua sự thể hiện xuất sắc của các nghệ sĩ như: nghệ sĩ Campbell Diamond (Áo), nghệ sĩ Padet Netpakdee (Thái Lan), nghệ sĩ người Úc gốc Việt Lê Hoàng Minh, nghệ sĩ Phan Xuân Trí, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc San, nhóm nhạc Dream Oasis Guitar Ensemble…
Dù đã tham gia nhiều các concert guitar được tổ chức đều đặn hàng chục năm qua nhưng Liên hoan Guitar Quốc tế Đà Nẵng đã khiến nhiều khán giả bất ngờ bởi quy mô và chất lượng của chương trình. Liên hoan Guitar Quốc tế Đà Nẵng đã thổi một làn gió mới về cả hình thức và nội dung với sự chuẩn bị chu đáo từ âm thanh, ánh sáng trong một không gian đảm bảo để diễn ra một đêm nhạc đạt chuẩn quốc tế ở Hội trường 03 Quang Trung, Đà Nẵng của ĐH Duy Tân.
Thêm thẩm thấu từng “giọt” đàn từ lớp học tìm hiểu cội nguồn
“Âm nhạc Guitar cổ điển là vô cùng thư giãn và dễ tiếp cận chứ không phải gì quá cao siêu, uyên bác. Nhưng để khán giả đến gần hơn nữa với Guitar cổ điển cần phải tạo sợi dây liên kết, tạo dựng thói quen và cho khán giả cơ hội tiếp xúc“, nghệ sĩ Phan Xuân Trí tâm huyết chia sẻ.
Đã có rất nhiều các bạn trẻ tìm đến Guitar cổ điển, không chỉ để nghe nhạc mà còn tìm cách học để có thể chơi thuần thục loại đàn này. Ngay nghệ sĩ Padet Netpakdee cũng đã có những nhận định rất khách quan: “Các bạn trẻ Việt Nam chơi rất khá, tiếng đàn chuyên nghiệp và đặc biệt các bạn có ngôn ngữ tiếng Anh tốt nên việc tiếp cận bài học sẽ dễ dàng”.
Bởi vậy mà ngay trong Liên hoan Guitar Quốc tế Đà Nẵng, khán giả đã không chỉ được thưởng thức các tác phẩm kinh điển qua bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ mà còn được tham gia vào Master Class (Lớp học Nâng cao), Workshop “Chế tác đàn guitar” để cùng tìm hiểu cội nguồn của bộ môn Guitar Cổ điển.
Tại lớp học, nghệ nhân Kim Sang Gil đã chia sẻ từng chi tiết về việc chế tác đàn guitar như việc chọn gỗ mặt đàn (cedar hoặc spruce), gỗ mặt hông và lưng đàn. Việc lựa chọn gỗ khác nhau sẽ tạo ra âm sắc khác nhau. Hệ thống cấu trúc bên trong đàn cũng rất quan trọng, có 3 loại cơ bản về cấu trúc hệ thống nan bên trong để quyết định âm thanh đàn gồm: (1) Hệ thống nan truyền thống hình rẽ quạt, (2) Hệ thống nan Lattice, (3) Hệ thống nan giống Lattice có mặt double top. Nghệ nhân Kim Sang Gil cũng đã chia sẻ sự khác nhau giữa đàn thủ công của các nghệ nhân và đàn làm hàng loạt từ nhà máy cùng cách đóng đàn tạo ra âm sắc khác nhau của đàn cổ điển và đàn acoustic.
Việc các bạn trẻ được tìm hiểu về cội nguồn của cây đàn guitar, cách chế tác một cây đàn, trải nghiệm chơi đàn cùng nhiều kiến thức thú vị đã giúp các bạn thêm thấu hiểu những đam mê của các nghệ sĩ, sự tận tâm về phát triển một hình thức âm nhạc cũng như biết cách học để có thể chơi đàn guitar chuẩn mực và lâu dài, nâng cao sự hiểu biết về âm nhạc guitar cổ điển, đồng thời lan tỏa một loại hình âm nhạc bình dị mà đặc biệt đến gần hơn với công chúng.
Liên hoan Guitar Quốc tế Đà Nẵng được tổ chức vô cùng thành công tại ĐH Duy Tân là kết quả của một hành trình hơn 10 năm bền bỉ đầy tâm huyết của nghệ sĩ guitar Phan Xuân Trí: “Tại Đà Nẵng hiện đang phát triển rất nhiều các loại hình nghệ thuật nhưng mảng guitar cổ điển và âm nhạc thính phòng vẫn còn chưa phổ biến. Bởi vậy, tôi thực mong muốn đẩy mạnh loại hình nghệ thuật này đến gần khán giả hơn, tạo ra điểm nhấn văn hóa mới của thành phố với chuỗi sự kiện mang tính tiếp nối và lâu dài. Hiện tại, nhóm nhạc nhí Dream Oasis Guitar Ensemble đã tạo ra được nguồn năng lượng mới được khá giả rất yêu thích và đón nhận, từ đó cho thấy con đường luôn rộng mở cho phát triển nghệ thuật Guitar cổ điển, vốn hiện có nhiều thuận lợi và được đa dạng loại hình khán giả đón nhận. Đó cũng là niềm vui lớn của các nghệ sĩ như chúng tôi”.
Lựa chọn ĐH Duy Tân tổ chức các đêm nhạc đánh dấu sự thăng hoa của Guitar cổ điển, nghệ sĩ Phan Xuân Trí cho biết: “Trước đây tôi từng tổ chức các buổi hòa nhạc ở nhiều nơi như Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, khách sạn Hilton, Novotel và lần này, mọi việc như được sắp đặt đúng nơi khi ngay từ ban đầu, tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ lãnh đạo của ĐH Duy Tân. Tiếp đó là cơ sở vật chất của Nhà trường đáp ứng rất tốt cho việc tổ chức một đêm nhạc chất lượng, giúp khán thính giả có không gian thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Tôi rất vui trước sự nhiệt thành của các thầy cô trong trường với tinh thần hướng về thế hệ trẻ, tạo cơ hội để các bạn trẻ cùng thưởng thức âm nhạc guitar cổ điển. Các chương trình hòa nhạc trước đây khi tôi tổ chức đều không bán vé và liên hoan lần này cũng vậy. Bởi vậy để có thể tổ chức các kỳ liên hoan trong thời gian tới thực sự rất cần sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức để cùng nhau mang những điều tốt đẹp cho cộng đồng“.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lien-hoan-guitar-quoc-te-da-nang-tai-dai-hoc-duy-tan-185250108212312739.htm